Thời trang luôn là thánh địa của những ai yêu cái đẹp. Chính vì thế, các tuần lễ thời trang lần lượt ra đời, như điểm đến của các “con chiên” tôn thờ vẻ đẹp tối thượng của những thước vải óng ánh sắc màu, những tầng màu sắc lung linh chuyển động, và cả những thân thể cao gầy sải bước uyển chuyển. Ảnh: Zee.
Đó cũng là nơi ý tưởng thăng hoa, nơi các nhà thiết kế thể hiện cái tôi riêng, cùng bản ngã của chính mình. Họ mặc sức vung vãi trí tưởng tượng, khoả tung hàng mét vải và vắt kiệt sức lực cho những bộ trang phục, mà đôi khi, chỉ được toả sáng vài giây trên sân khấu. Ảnh: Zee.
Đúng như tên gọi, Tuần lễ Thời trang Nhà thiết kế đã tôn vinh những mẫu trang phục đậm chất nghệ thuật, trong thời điểm nhiều nhà mốt bắt đầu rẽ hướng, quay sang các giá trị thương mại. Ảnh: Zee.
Ngay trong đêm mở màn, Tuần lễ Thời trang Nhà thiết kế đã khiến nhiều người ngỡ ngàng khi trình làng bộ sưu tập của nhà thiết kế Võ Công Khanh. Ảnh: Zee.
Với chất “điên” ngấm sẵn từ trong máu, anh không ngại chơi với chất liệu và thách thức nhiều chuẩn mực, để tạo nên các thiết kế ma mị, vừa có tính tĩnh, vừa “động” đến kinh người. Ảnh: Zee.
Cũng với máu “điên” ấy, anh đã biến điều không thể trở thành có thể, khi áp dụng thành công quy tắc tưởng chừng như nghịch lý: lấy hình tượng gà trống để nói về phụ nữ. Ảnh: Zee.
Sự đa dạng trong chất liệu, thống nhất trong khung màu sắc, cũng như kỹ thuật tạo khối cầu kỳ... Tất cả đã tạo nên phong cách rất riêng cho bộ sưu tập chỉ vỏn vẹn 6 bộ, nhuộm ánh vàng rực rỡ khắp cả khán phòng, và truyền tải trọn vẹn cho khán giả về thứ quyền lực dịu dàng của phái đẹp. Ảnh: Zee.
Âm và dương, nam và nữ, mạnh mẽ và mềm yếu... những yếu tố đối nghịch căn bản, lại được thể hiện rõ nét qua bộ sưu tập của nhà thiết kế Trương Thanh Long. Ảnh: Zee.
Với phom dáng mạnh mẽ, đường cắt táo bạo, chất liệu đa dạng, bộ sưu tập như lời tuyên ngôn của thế hệ “phụ nữ vàng”: hãy luôn xinh đẹp, hãy luôn yêu kiều, nhưng hãy thật mạnh mẽ, tự chủ và kiên cường. Ảnh: Zee.
Trong thời buổi kinh tế, nơi mọi giá trị đều được quy ra thành tiền, thì đâu đó, còn có những con người trân trọng và nâng niu cái đẹp. Họ không ngại đầu tư tâm huyết cho một sản phẩm chỉ để trình diễn, hay sắp đặt mọi yếu tố cần thiết, chỉ để làm nổi bật nhất tinh thần thượng tôn cái đẹp. Ảnh: Hải An.
Tinh thần ấy không chỉ được toả sáng trên sàn diễn lung linh rực rỡ, mà còn được phản chiếu trong ánh đèn le lói phía sau sân khấu. Ảnh: Hải An.
Đó là nơi từng đường nét trên bộ trang phục được thể hiện. Là nơi người mẫu và trang phục như hoà thành một, để lột tả vẻ đẹp thuần khiết nhất trong thứ được gọi là “thời trang cao cấp”. Ảnh: Hải An.
Khó có thể nói đây là một cuộc phiêu lưu hay dạo chơi dành cho giới mộ điệu. Phiêu lưu, vì nó sẽ có nhiều chặng đường và ngã rẽ khác nhau. Nhưng chặng đường cũng đúng, vì ở đó, người ta có thể được phép dừng lại bất cứ lúc nào, mà không sợ mất đi sản sắc của riêng mình. Ảnh: Hải An.
Trên chặng đường phiêu lưu dài đó, các nhà thiết kế là sẽ là người rẽ lối, dẫn đường, và người mẫu sẽ cùng nhau sát cánh để truyền tải tinh thần của cả bộ sưu tập. Ảnh: Hải An.
Khúc hoan ca của người du mục đã làm được điều đó. Lấy cảm hứng từ những cuộc rong chơi bất tận cùng tinh thần tự do, phóng khoáng, bộ sưu tập như lời tôn vinh hoa mỹ nhất dành cho vẻ đẹp của phụ nữ. Ảnh: Hải An.
Đến với “cuộc phiêu lưu không màu” của Lek Chi, người xem lại một lần nữa mãn nhãn trước vẻ đẹp tinh khôi, e ấp của các tân nương Á đông. Ảnh: Hải An.
Chỉ với tông màu trắng, bộ sưu tập như mô phỏng cuộc hành trình đặc biệt diễn ra trong tâm thức cá nhân, đi tìm sự bình yên trong bản ngã của người phụ nữ nhạy cảm nhiều tranh đấu. Ảnh: Hải An.
Chia sẻ về bộ sưu tập, nhà thiết kế Lek Chi cho biết: “Đây là một cuộc phiêu lưu trầm mặc, buông bỏ mọi mưu tính, để bản thân chìm thật sâu hoặc trôi lơ lửng đâu đó trong góc tĩnh tâm hồn. Để tìm được bờ cõi an nhiên”. Ảnh: Hải An.
“Khi người phụ nữ tìm được điều ấy, họ sẽ tìm được sự cân bằng, đó là chân lý của sự viên mãn”, cô nói. Ảnh: Hải An.