Tổng thống Vladimir Putin thông báo tại cuộc họp chính phủ trực tuyến hôm 14/10 đã công bố vaccine ngừa Covid-19 thứ hai của nước này cũng như trên thế giới. Vaccine có tên EpiVacCorona đã được phê duyệt trong tình huống khẩn cấp. Tổng thống Nga đã gửi lời chúc mừng các nhà khoa học tại Viện Vector.
Ông chủ điện Kremlin cũng cho biết thêm, vaccine ngừa Covid-19 thứ ba của Nga do Trung tâm Chumakov phát triển, cũng sẽ được cấp phép trong tương lai gần.
"Chúng ta cần tăng cường sản xuất vaccine thứ nhất và thứ hai. Chúng ta đang tiếp tục hợp tác với các đối tác nước ngoài và sẽ quảng bá vaccine ra nước ngoài" - ông nói.
Ông Putin cho biết Phó Thủ tướng Tatyana Golikova và lãnh đạo cơ quan giám sát an toàn người tiêu dùng Nga Anna Popova đã tiêm EpiVacCorona trong quá trình thử nghiệm lâm sàng.
Vaccine ngừa Covid-19 thứ 2 của Nga do Viện Vector phát triển.
Bà Golikova nói rằng loại vaccine mới có ít tác dụng phụ hơn và 40.000 tình nguyện viên trên khắp nước Nga sẽ tham gia thử nghiệm vaccine này. 60.000 liều EpiVacCorona đầu tiên sẽ được sản xuất trong "tương lai gần".
Trước đó, Viện Vector đã hoàn thành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn một với vaccine EpiVacCorona từ tháng trước, với sự tham gia của 100 tình nguyện viên, từ 18-60 tuổi. Các tình nguyện viên đều cảm thấy ổn, không ai gặp phải các tác dụng phụ nghiêm trọng và chỉ vài người bị đau nhức ngắn hạn, khoảng 1-2 ngày, tại vết tiêm.
Viện Vector có tên đầy đủ là Trung tâm Nghiên cứu Nhà nước về Virus học và Công nghệ Sinh học, từng là phòng thí nghiệm nghiên cứu vũ khí sinh học của Liên Xô. Đây là là một trong hai địa điểm trên thế giới lưu trữ virus đậu mùa, bên cạnh Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ. Viện Vector cũng lưu trữ các mẫu bệnh Ebola.
Theo ông Alexander Ryzhikov, người đứng đầu bộ phận bệnh cúm và bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người của Vector, loại vaccine thứ hai của Nga phải tạo ra khả năng miễn dịch trong ít nhất 6 tháng.
Ông Ryzhikov cho biết thêm, vaccine này cũng hoàn toàn an toàn, với tác dụng phụ duy nhất là cảm giác đau nhẹ tại chỗ tiêm.
Với việc công bố vaccine thứ 2, Nga đã trở thành quốc gia mang đến nhiều triển vọng cho các nước đang đối phó với đại dịch toàn cầu. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đặt ra yêu cầu đối với ngành sản xuất công nghiệp vaccine ngừa Covid-19.
Vaccine EpiVacCorona được điều chế dựa trên peptit có khả năng kích hoạt phản ứng miễn dịch.
"Việc hợp tác với các nước khác không ngăn cản chúng ta phát triển quy trình này trong nước, đây vẫn là một hoạt động mục tiêu nhằm mở rộng năng lực ngành công nghiệp dược phẩm của chúng ta và tiến hành các công việc chung", Tổng thống Vladimir Putin nói.
Ông Putin kêu gọi người dân lắng nghe lãnh đạo Đảng Dân chủ Tự do Nga, Vladimir Zhirinovsky, về sự cần thiết phải "tuân thủ các quy tắc vệ sinh'' bởi theo ông, “đây là một việc cực kỳ quan trọng, đây không phải là những lời nói suông, thực tế đất nước cần bây giờ là giữ gìn sức khỏe cho người dân, cũng chính là cho toàn quốc gia”.
Đại dịch toàn cầu vẫn ở đang hoành hành tại Nga. Giới chức Nga hôm 13/10 ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 mới và số ca tử vong hằng ngày cao nhất từ trước tới nay. Cụ thể, trong ngày đã có thêm 13.868 ca nhiễm Covid-19 mới trong 24 giờ qua, vượt qua con số kỷ lục 13.634 ca được ghi nhận hôm 11/10, và nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên 1.326.178 ca, theo Reuters.
Nga ghi nhận thêm 244 ca Covid-19 tử vong, đánh dấu số người chết vì Covid-19/ngày cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát và nâng tổng số ca tử vong lên 22.966 ca.
Bà Anna Popova, đứng đầu cơ quan an toàn tiêu dùng ở Nga, cho hay Moscow thấy không cần phải hạn chế các hoạt động kinh tế để đối phó tình trạng số ca nhiễm Covid-19 tăng cao. Hôm 12/10, Điện Kremlin cho hay Nga có đủ khả năng ứng phó Covid-19 một cách linh hoạt hơn so với đợt bùng phát trước, khi nước này áp dụng lệnh phong tỏa.