Thứ 2, 17/02/2025, 00:18 AM
Bạn đọc đăng tin
Hotline: 0918658465

Mảnh kính vỡ trong bụng bé trai 10 tháng tuổi

Mảnh kính vỡ trong bụng bé trai 10 tháng tuổi
(Tieudung.vn) - Một bé trai 10 tháng tuổi ngụ quận 8, TP Hồ Chí Minh vừa được các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng Thành Phố Hồ Chí Minh cứu chữa khi bé vô tình nuốt phải mảnh vỡ kính soi mặt.

Chiều 20/6, BS CKII Nguyễn Minh Tiến - phó giám đốc Nhi đồng Thành phố (TP Hồ Chí Minh) - cho biết bệnh viện vừa cứu sống bệnh nhân 10 tháng tuổi nuốt mảnh kiếng vỡ vào bụng.

Đó là bé Đ.P.Q.K., 10 tháng tuổi, ngụ quận 8, TP Hồ Chí Minh. Bé nhập viện trong tình trạng nôn ói liên tục, quấy khóc, khó chịu, chảy máu miệng, nhợn ói, ói ra dịch, thức ăn lẫn máu.

Bệnh sử ghi nhận bé chơi trong nhà với mẹ, một lúc sau mẹ bé đi pha sữa và nhìn thấy bé bò dưới gầm bàn, bốc vật lạ bỏ vào miệng nuốt. Lập tức mẹ bé chạy tới can nhưng không kịp.

Các bác sĩ khai thác kỹ lời khai của mẹ bé về dị vật, ghi nhận mẹ bé có làm vỡ kính soi mặt, sau đó có quét nhặt rất kỹ các mảnh kính nhưng vẫn còn sót lại, dẫn đến bé nhặt lên và nuốt.

X-quang ngực, bụng cho thấy dị vật đã đi nhanh qua thực quản, dạ dày, môn vị và xuống tá tràng. “Thật khó khăn khi nội soi gắp ra vì nguy cơ gây chảy máu, thủng ruột, dạ dày, thực quản rất cao”, bác sĩ Tiến nói.

Mảnh kính vỡ trong bụng bé trai 10 tháng tuổi

Dị vật đang di chuyển trong đường tiêu hóa của bé.

May mắn, lúc này bé bớt ói, bớt quấy khóc khó chịu. Ê-kíp cấp cứu nội soi quyết định hoãn can thiệp và theo dõi sát tình trạng lâm sàng trẻ. Bệnh nhi được siêu âm, X-quang bụng mỗi 4-6 giờ để theo dõi sự di chuyển của dị vật nhằm can thiệp phẫu thuật lấy dị vật nếu trẻ có tình trạng đau bụng, xuất huyết tiêu hóa, thủng ruột.

Bệnh nhi được các bác sĩ cho sử dụng các loại thuốc băng dạ dày, thuốc làm mềm phân, tạo điều kiện cho trẻ đi ngoài ra dị vật. Kết quả sau gần 2 ngày theo dõi, bé đã đi ra được mảnh kiếng 0,3x1cm.

Qua trường hợp này, bác sĩ Tiến khuyến cáo các phụ huynh: phải luôn có người trông giữ trẻ, dọn dẹp kỹ nhà cửa, không cho trẻ chơi đồ chơi có kích thước nhỏ vì có thể ngậm nuốt gây dị vật đường tiêu hóa hoặc đường thở gây tắc nghẽn suy hô hấp, cũng như các tổn thương khác, có thể nguy hiểm tính mạng trẻ.

Đối với trẻ nhỏ dưới 5 tuổi không để trẻ ngậm muỗng, nĩa, đũa, bút… dễ gây tổn thương khi trẻ té hoặc bị trẻ khác va chạm vào nhau bất ngờ.

Tags:
3.5 25 5 Nhấn vào đây để đánh giá

Chuyên trang Tiêu dùng - Báo Kinh tế & Đô thị điện tử, Cơ quan của UBND TP. Hà Nội
Giấy phép số: 27/GP-CBC do Bộ Thông tin & Truyền thông cấp ngày 17/05/2022
Tổng Biên tập: Nguyễn Thành Lợi

() Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Tieudung.kinhtedothi.vn

Share facebook Share google Share twitter Share linkedin Share pinterest
1.31149 sec| 761.82 kb