Theo bác sĩ Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, than củi khi cháy sẽ sản sinh ra khí CO (cacbon monoxit), đây là loại khí cực độc. Khí này không màu, không mùi vị nên rất rất khó phát hiện. Khi hít phải khí CO, nạn nhân nhanh chóng bị giảm oxy trong máu, gây đau đầu, chóng mặt, đau ngực, di chứng thần kinh hoặc có thể bị tâm thần.
Thậm chí hít phải lượng lớn khí CO nạn nhân có thể bất tỉnh và tử vong nhanh, đặc biệt là với phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ và người già mắc các bệnh về tim, phổi mãn tính.
Ngoài ra, quá trình nhiễm độc khí than diễn ra rất nhanh, khi nạn nhân bắt đầu cảm thấy những bất thường thì chân tay không thể cử động được, hôn mê và tử vong.
Theo các chuyên gia, để cứu chữa những nạn nhân bị ngộ độc khí than rất khó khăn. Bởi khi sự cố xảy ra, nếu bệnh nhân không được cứu chữa kịp thời, thì não lâm tình trạng thiếu oxy kéo dài. Trong trường hợp này, dù có cứu được, bệnh nhân phải sống thực vật, giảm trí nhớ hoặc đi đứng khó khăn, thậm chí liệt nửa người…
Không chỉ sưởi ấm bằng bếp than, mà sưởi ấm bằng máy sưởi, quạt sưởi cũng nguy cơ gây nguy hiểm. Bởi tia hồng ngoại toả ra từ các thiết bị này sẽ gây khô da, khô niêm mạc mũi và có thể gây bỏng, không cẩn thận có thể gây ra hoả hoạn.
Các chuyên gia khuyến cáo, trong những ngày lạnh, khi sử dụng các thiết bị sưởi ấm, người dân cần chú ý để đảm bảo an toàn. Trong trường hợp quá lạnh, bắt buộc phải dùng than củi để sưởi ấm thì nhà phải có không khí hoặc phải mở cửa để thông gió tránh bị ngạt.
Đốt than sưởi ấm là thói quen của nhiều người vào những ngày nhiệt độ giảm sâu.
Ngày 12/1, Bệnh viện Đa khoa huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) tiếp nhận 2 bệnh nhân bị ngộ độc do nhiễm khí CO. Trong đó, 1 người nguy kịch, phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng đau đầu, chóng mặt và khó thở.
Khoảng 21h ngày 11/1, bà T. (SN 1954, ở xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân) cùng con dâu là chị T.T.H. (SN 1984) đốt than củi để sưởi ấm. Thấy H. bị ngất xỉu, bà T. hô hoán người xung quanh đến đưa chị H. đi cấp cứu. Khi người dân có mặt thì thấy bà T. cũng ngất xỉu cạnh đống lửa.
Hai người được đưa đến Trạm Y tế xã Cương Gián (huyện Nghi Xuân) sơ cứu, sau đó được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa huyện Nghi Xuân cấp cứu. Sau khi đến bệnh viện, chị H. tỉnh lại, sức khỏe ổn định không phải nhập viện, còn bà T. được điều trị ở khoa Nội của bệnh viện.
Xử trí ngộ độc khí CO thế nào? Các bác sĩ khuyên rằng, khi phát hiện nơi nạn nhân bị ngộ độc cần khẩn trương làm thông thoáng không khí bằng cách mở rộng cửa, trước khi đi vào vùng nhiễm độc cần mang mặt nạ phòng độc hoặc khẩu trang ẩm, nhanh chóng đưa nạn nhân ra khỏi nơi nguy hiểm để đề phòng khả năng nổ của không khí giàu khí CO.
Trường hợp bệnh nhân thở yếu, ngừng thở phải thổi ngạt ngay bằng hô hấp nhân tạo miệng - miệng hay miệng - mũi và đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất.