Thứ 6, 22/11/2024, 16:07 PM
Bạn đọc đăng tin
Hotline: 0918658465

Dịch COVID-19 ngày 2/5: Việt Nam không có ca nhiễm bệnh mới, 14 ca tái dương tính

Dịch COVID-19 ngày 2/5: Việt Nam không có ca nhiễm bệnh mới, 14 ca tái dương tính
(Tieudung.vn) - Tính đến sáng ngày 2/5 Việt Nam tiếp tục không có ca nhiễm mới nhưng ghi nhận 14 ca dương tính trở lại.

Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 2/5 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 3.394.965 ca trong đó có 239.302 người đã tử vong.

Dịch COVID-19 ngày 2/5: Việt Nam không có ca nhiễm bệnh mới, 14 ca tái dương tính

Ảnh minh họa.

Dịch bệnh đến nay đã xuất hiện và lây lan ở 212 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 1.079.298 bệnh nhân COVID-19 được điều trị khỏi, trong khi còn 51.332 người trong tình trạng nguy kịch.

Mỹ tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch COVID-19, với 1.128.555 ca mắc bệnh và 65.668 ca tử vong. Xếp sau Mỹ vẫn là các quốc gia châu Âu, gồm Tây Ban Nha với 242.988 ca mắc COVID-19 và 24.824 ca tử vong. Tiếp đó là Italy - với 207.428 ca mắc COVID-19 và 28.236 ca tử vong. Anh hiện có 177.454 ca mắc COVID-19, trong đó có 27.510 ca tử vong, tiếp đó là Pháp với 167.346 ca mắc và 24.594 ca tử vong, Đức là 164.077 ca mắc và 6.736 ca tử vong.

Việt Nam 0 ca mắc mới nhưng 14 ca tái dương tính

Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19 cho biết đến thời điểm này Việt Nam không có thêm ca mắc mới COVID-19 nào. Số ca mắc hiện tại vẫn là 270,  trong đó 217 ca đã khỏi và ra viện. 

53 bệnh nhân còn lại hiện đang được điều trị, theo dõi sức khỏe tại 9 cơ sở khám, chữa bệnh, trong đó có 14 ca dương tính trở lại sau khi xuất viện. 

Về tình trạng sức khỏe của 3 bệnh nhân mắc COVID-19 diễn biến nặng (số 19, 91 và 161), Tiểu ban Điều trị cho biết, trong đó bệnh nhân số 19 và 161 điều trị tại Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh hiện đều không sốt, đang tập cai thở máy, tập phục hồi chức năng.

Riêng bệnh nhân 91 đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM tình trạng ổn định, không sốt, mạch và huyết áp ổn định, tiếp tục thở máy, lọc máu, can thiệp ECMO, không tràn dịch màng phổi. Cập nhật đến chiều ngày 1/5, bệnh nhân này hiện đã tiếp tục có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2, tuy nhiên tiên lượng về trường hợp này còn rất nặng.

Mỹ cho phép sử dụng khẩn cấp Remdesivir điều trị COVID-19

Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ ngày 1/5 đã cấp giấy phép sử dụng khẩn cấp thuốc Remdesivir để điều trị cho những bệnh nhân mắc bệnh COVID-19 nặng nhất. FDA chỉ định loại thuốc này có thể được sử dụng cho cả người lớn và trẻ em bị nghi ngờ hoặc được xác nhận chẩn đoán COVID-19 ở tình trạng nặng với nồng độ oxy trong máu thấp hoặc có thể đang thở máy. "Không có phương pháp điều trị thay thế đầy đủ, được phê duyệt hoặc có sẵn, những lợi ích đã biết và tiềm năng để điều trị loại virus đe dọa tính mạng này hiện vượt xa những rủi ro đã biết và tiềm ẩn của việc sử dụng thuốc", FDA viết trong thông cáo báo chí. 

Remdesivir, một loại thuốc kháng virus do công ty Gilead Sciences của Mỹ bào chế, ban đầu được phát triển để điều trị cho bệnh nhân Ebola, là một trong số các loại thuốc thử nghiệm đầu tiên trong phác đồ điều trị bệnh nhân mắc COVID-19. Hãng tin Reuters trước đó nhận định việc thuốc Remdesivir chứng minh hiệu quả trong điều trị COVID-19 được xem như ánh sáng cuối đường hầm cho nước Mỹ. Đó là lý do Tổng thống Donald Trump đã gây sức ép để FDA nhanh chóng cấp phép cho Remdesivir.

Ngoài ra, chính phủ Mỹ hiện cũng đã lên kế hoạch đẩy nhanh việc bào chế vaccine với mục tiêu có 100 triệu liều vào cuối năm 2020. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho biết các thử nghiệm lâm sàng để đảm bảo một vaccine thực sự an toàn và hiệu quả có thể mất tối thiểu 12-18 tháng.

Trong một diễn biến khác, theo kết quả cuộc thăm dò của Qualtrics công bố ngày 1/5 có tới 66% trong tổng số 2.003 người trưởng thành ở Mỹ tham gia khảo sát cho rằng họ không thoải mái khi quay trở lại nơi làm việc trong bối cảnh ngày càng nhiều tiểu bang bắt đầu mở cửa trở lại nền kinh tế khi đại dịch COVID-19 vẫn tiếp diễn. Chỉ 25% số người tham gia khảo sát cho biết sẽ trở lại làm việc vào tháng 5, với 48% cho rằng họ không mong đợi trở lại làm việc cho đến tháng 8 tới.

Gần 3.000 người trên du thuyền Đức bị cách ly

Theo hãng tin AFP, thông báo từ công ty du lịch TUI của Đức ngày 1/5 cho biết gần 3.000 người (gồm thủy thủ đoàn và hành khách) trên một du thuyền của họ đã bị cách ly sau khi một người trên đó dương tính với virus corona.

15 thành viên trong đoàn thủy thủ của du thuyền Mein Schiff 3 đã được xét nghiệm sau khi có biểu hiện triệu chứng cúm nhẹ, một người trong đó có kết quả dương tính với corona.

Theo đó, toàn bộ 2.899 người sẽ bị cách ly ngay tại tàu ở cảng Cuxhaven thuộc bờ Biển Bắc của Đức để chờ thông báo tiếp theo.

Bộ trưởng Nga nhập viện vì COVID-19

Một ngày sau khi thủ tướng Nga thông báo nhiễm virus corona, Bộ trưởng xây dựng Nga Vladimir Yakushev cũng đã nhập viện vì COVID-19. Hãng tin Interfax cho biết một thứ trưởng của ông Vladimir Yakushev cũng đã nhiễm bệnh. 

Hãng tin này dẫn lời ông Yakushev cho biết ông đã được các bác sĩ tại một bệnh viện ở Matxcơva (Moscow) điều trị.Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin ngày 30/4 cho biết ông đã tự cách ly để bảo vệ các đồng nghiệp.

Nga hiện có 114.431 ca bệnh, mức cao thứ 8 thế giới, trong đó có 1.169 người chết, hầu hết ở vùng Matxcơva và thành phố Saint Petersburg.

Tags:
4.1 23 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Tin liên quan

Chuyên trang Tiêu dùng - Báo Kinh tế & Đô thị điện tử, Cơ quan của UBND TP. Hà Nội
Giấy phép số: 27/GP-CBC do Bộ Thông tin & Truyền thông cấp ngày 17/05/2022
Tổng Biên tập: Nguyễn Thành Lợi

() Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Tieudung.kinhtedothi.vn

Share facebook Share google Share twitter Share linkedin Share pinterest
0.97905 sec| 804.555 kb