Bệnh đái tháo đường là gì?
Đái tháo đường hay còn gọi là tiểu đường là một bệnh mãn tính với biểu hiện lượng đường trong máu của bạn luôn cao hơn mức bình thường do cơ thể của bạn bị thiếu hụt hoặc đề kháng với insulin, dẫn đến rối loạn chuyển hóa đường trong máu.
Khi mắc bệnh tiểu đường, cơ thể bạn không chuyển hóa các chất bột đường từ thực thẩm bạn ăn vào hằng ngày một cách hiệu quả để tạo ra năng lượng. Do đó gây ra hiện tượng lượng đường tích tụ tăng dần trong máu. Lượng đường trong máu thường xuyên ở mức cao qua thời gian làm tăng nguy cơ các bệnh tim mạch, gây ra tổn thương ở các cơ quan khác như mắt, thận, thần kinh và các bệnh lý nghiêm trọng khác.
Tiểu đường típ 1: người mắc bệnh bị thiếu insulin do tuyến tụy không sản xuất insulin. Tiểu đường típ 1 hiếm gặp, thường xảy ra ở trẻ nhỏ, người trẻ chiếm dưới 10% số người mắc bệnh.
Tiểu đường típ 2: những người bị tiểu đường típ 2 bị đề kháng với insulin. Nghĩa là cơ thể vẫn có thể sản xuất insulin nhưng nó không thể chuyển hóa được glucose. Khoảng 90% đến 95% người bị tiểu đường trên thế giới là típ 2.Đa
Dấu hiệu của bệnh đái thái đường
Khát nhiều
Một dấu hiệu ban đầu rất phổ biến của đái tháo đường, khát tăng lên xảy ra do bệnh làm cho đường (glucose) tích tụ trong máu. Thông thường, thận sẽ xử lý glucose, nhưng khi chúng bị quá tải, glucose dư thừa sẽ thoát ra ngoài cùng với nước tiểu. Nước từ các mô khác của cơ thể cũng bị kéo theo cùng với nó, khiến người bệnh bị mất nước và thèm được uống để thay thế lượng nước bị mất.
Đi tiểu thường xuyên
Trong đái tháo đường giai đoạn sớm, cơ thể sẽ tăng sản sinh nước tiểu, cố gắng loại bỏ lượng đường thừa trong máu và người bệnh có thể thấy phải đi tiểu thường xuyên hơn. Bình thường chúng ta đi tiểu từ bảy đến tám lần mỗi ngày, nhưng đối với một số người, tối đa 10 lần mỗi ngày là bình thường.
Đói nhiều
Đái tháo đường khiến đường huyết tăng không kiểm soát. Đồng thời, nó ngăn chặn các tế bào sử dụng glucose làm năng lượng. Thiếu năng lượng có thể khiến người bệnh cảm thấy đói.
Khô miệng
Khô miệng gây cảm giác khó chịu và một trong những dấu hiệu cảnh báo sức khỏe có vấn đề. Đây không chỉ là dấu hiệu mất nước, mà còn là dấu hiệu cảnh báo đái tháo đường type 2. Những thay đổi về da tạo thuận lợi cho vi khuẩn và tăng nguy cơ mắc các bệnh về nướu và răng.
Mệt mỏi
Mệt mỏi quá mức hoặc mãn tính là dấu hiệu không được bỏ qua dù trong tình huống nào. Ở bệnh nhân đái tháo đường, tế bào cơ thể rất khó hấp thụ glucose dẫn đến sự thiếu hụt năng lượng trong cơ thể, khiến bệnh nhân cảm thấy mệt mỏi và khó chịu, mệt mỏi càng tăng khi phải đi tiểu đêm.
Các vấn đề về mắt
Mắt là một trong những bộ phận trong cơ thể bị tác động nhiều nhất bởi bệnh đái tháo đường. Lượng đường trong máu cao đã ảnh hưởng đến mắt. Điều này gây nên nhìn mờ, đặc biệt khi không kiểm soát được bệnh gây giảm thị lực hoàn toàn.
Nhiễm trùng
Vi khuẩn, virus, nấm phát triển tốt trong môi trường có lượng đường máu cao, và nhiễm trùng là biểu hiện thường gặp. Nhiễm nấm âm đạo Candida, nhiễm nấm ở da, nhiễm trùng đường tiết niệu là những dấu hiệu thường gặp ở bệnh nhân đái đường.
Cảm giác tê hoặc ngứa các đầu chi
Các biểu hiện này do bệnh đái đường ảnh hưởng đến các dây thần kinh. Tê hoặc ngứa ran có thể xảy ra nhiều lần và thường kèm theo cảm giác đau, viêm.
Nếu vấn đề không được kiểm soát đúng mức, các tổn thương thần kinh có thể là vĩnh viễn, và gây nên những rối loạn nghiêm trọng khác.