Trước đó, bé P.T. (3 tuổi, ở Tiền Giang) được chuyển khẩn đến Bệnh viện Nhi đồng TP Hồ Chí Minh trong tình trạng liên tục nhợn ói, khóc thét.
Ngay khi tiếp nhận bệnh nhi, bác sĩ CK1 Lê Đức Lộc, đang công tác chống dịch tại Bệnh viện dã chiến số 4, tức tốc xét nghiệm loại trừ Covid-19, kịp thời soi gắp dị vật là viên pin đang kẹt ngay cơ thắt thực quản trên trong đêm 25/9.
Theo các bác sĩ, chính viên pin đã khiến bé nóng rát sau xương ức, liên tục nhợn ói và khóc thét trước đó.
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Internet)
Bác sĩ CK1 Trần Dư Khương - khoa Hồi sức Ngoại của bệnh viện cho biết đường thở của bé bị phù nề phản ứng, đường ăn bị bỏng đã loét hẹp hết 1/3 vị trí trên thực quản, bé đang được đặt sonde hỗng tràng theo dõi sát, nguy cơ hoại tử, nhiễm trùng và thậm chí thủng rất cao.
Theo các bác sĩ, những viên pin này trông giống như những chiếc đĩa bạc dẹt, được tìm thấy trong các vật dụng phổ biến ở hầu hết các gia đình (như các thiết bị có tính năng điều khiển từ xa, nhiệt kế, máy đo đường, cân, bàn phím, nến không lửa, đồng hồ, đồ chơi...).
Trẻ nuốt phải pin cúc áo có thể gây bỏng mô nghiêm trọng, một số trường hợp trẻ bị thương tật suốt đời chỉ trong vòng ít nhất 2 giờ. Khi loại pin này "mắc kẹt" trong cơ thể, nó có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng, bao gồm tổn thương các động mạch chính hoặc tử vong.
Do đó, để phòng tránh những tai nạn đáng tiếc cho trẻ, bác sĩ khuyến cáo: Các bậc phụ huynh khi trông giữ trẻ, không làm việc khác mà phải thường xuyên giám sát, giữ trẻ trong tầm mắt. Các đồ vật nhỏ như đồng xu, pin, kim, tăm… hay những hóa chất có thể gây nguy hiểm cho trẻ như dầu hỏa, xăng, nước giặt, kể cả nước sôi… phải để xa tầm tay của trẻ.
Bên cạnh đó, cần kiểm tra đồ chơi của trẻ thường xuyên để đảm bảo các khe cắm pin đã khóa trong và an toàn. Khi phát hiện trẻ nuốt dị vật hay có các biểu hiện bất thường như nôn, nuốt đau, nuốt khó, đau bụng… cần đưa trẻ đến cơ sở y tế chuyên khoa để được theo dõi và điều trị kịp thời.