Trường Đại học Y tế công cộng
Năm 2025, Trường Đại học Y tế công cộng dự kiến tuyển 830 sinh viên cho 6 ngành, gồm: Y tế công cộng, Kỹ thuật xét nghiệm y học, Dinh dưỡng, Công tác xã hội, Kỹ thuật phục hồi chức năng và Khoa học dữ liệu.
Trường áp dụng 4 phương thức tuyển sinh tương tự năm 2024 nhưng có một số điều chỉnh. Với xét học bạ, trường áp dụng với 4 ngành (thay vì 5 ngành như năm ngoái). Có 2 ngành không xét học bạ là Kỹ thuật xét nghiệm y học và Kỹ thuật phục hồi chức năng.
Phương thức xét điểm thi tốt nghiệp và xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD&ĐT được trường áp dụng với tất cả ngành. Ngoài ra, với ngành Khoa học dữ liệu, trường tuyển sinh bằng phương thức xét điểm thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức.
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Internet)
Học viện Báo chí và Tuyên truyền
Học viện Báo chí và Tuyên truyền dự kiến tuyển sinh tổng số 2.400 chỉ tiêu, trong đó 2.050 chỉ tiêu cho tuyển sinh đại học chính quy cấp bằng đại học thứ nhất; số còn lại cho hệ văn bằng 2.
Năm nay, Học viện tuyển sinh 32 ngành, chuyên ngành đào tạo và chia làm 4 nhóm ngành: báo chí và xuất bản; các ngành lý luận chính trị và công tác xã hội, kinh tế; ngành lịch sử; các ngành về truyền thông, quảng cáo, quan hệ quốc tế và các ngành khác.
Trường sử dụng 3 phương thức tuyển sinh là xét học bạ, xét tuyển kết hợp và xét dựa trên điểm thi tốt nghiệp THPT nhưng tỷ lệ chỉ tiêu giữa các phương thức có sự thay đổi. Theo đó, phương thức xét học bạ dự kiến chiếm 20% tổng chỉ tiêu và sẽ xét kết quả học tập bậc THPT cả 6 kỳ học.
Xét tuyển kết hợp chiếm 30% tổng chỉ tiêu, dành cho đối tượng thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế IELTS 6.5 và các chứng chỉ khác tương đương, chứng chỉ SAT tối thiểu 1200/1600; điểm trung bình cộng học tập của cả 6 kỳ học bậc THPT từ 7,0 trở lên; hạnh kiểm bậc THPT xếp loại Tốt.
Phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT dành tỷ lệ 50%. Học viện chấp nhận quy đổi điểm môn tiếng Anh đối với những thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh. Điểm tiếng Anh quy đổi sẽ được kết hợp với điểm thi tốt nghiệp THPT thành tổ hợp môn xét tuyển.
Về nguyên tắc tính điểm, ở các phương thức, trường áp dụng nhân hệ số 2 điểm môn ngữ văn với các ngành thuộc nhóm 1, môn lịch sử với các ngành thuộc nhóm 3 và môn tiếng Anh với các ngành thuộc nhóm 4.
Bên cạnh đó, Học viện cũng công bố các ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào, điều kiện nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển. Thí sinh cần có kết quả học tập cả 3 năm học bậc THPT đạt từ 6,5 trở lên và xếp loại Khá trở lên về hạnh kiểm.
Thí sinh đăng ký xét học bạ và xét kết hợp vào các ngành ở nhóm 1 phải có điểm trung bình 6 học kỳ môn ngữ văn đạt tối thiểu 7,0. Thí sinh xét tuyển ngành Xuất bản, chuyên ngành Biên tập xuất bản thuộc nhóm 1; ngành Xã hội học thuộc nhóm 2 và các ngành thuộc nhóm 4 phải có điểm trung bình 6 học kỳ môn tiếng Anh từ 7,0 trở lên.
Đối với thí sinh tự do, trường chỉ nhận hồ sơ của thí sinh tốt nghiệp năm 2023 và 2024; không nhận hồ sơ của thí sinh tốt nghiệp các năm trước đó. Học viện áp dụng chính sách ưu tiên, bao gồm xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển và cộng điểm khuyến khích khi xét tuyển.
Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội
Năm 2025, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội không xét tuyển sớm bằng học bạ như trước mà xét cùng thời gian với điểm thi tốt nghiệp THPT. Thí sinh có thể sử dụng điểm trung bình 6 học kỳ của các môn trong tổ hợp xét tuyển để đăng ký vào các nhiều chuyên ngành khác nhau.
Trường áp dụng phương thức xét tuyển học bạ chung cho cả thí sinh tốt nghiệp năm 2025 và những năm trước đó. Điểm học bạ sẽ được nhập lên hệ thống xét tuyển chung, quy đổi về cùng thang điểm với điểm thi tốt nghiệp THPT.
Phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT áp dụng cho tất cả các ngành không có môn thi năng khiếu trong tổ hợp xét tuyển. Điểm xét tuyển được tính dựa trên tổng điểm ba môn trong tổ hợp và điểm ưu tiên (nếu có). Các tổ hợp có môn thi năng khiếu vẫn giữ nguyên.
Năm 2025, thí sinh có chứng chỉ IELTS từ 6.0 không còn được xét tuyển thẳng vào chương trình tiên tiến ngành Kiến trúc như trước mà chỉ được cộng điểm ưu tiên.
Đối với hai chương trình liên kết quốc tế, trường vẫn xét tuyển hồ sơ kết hợp phỏng vấn trực tiếp theo quy định của trường đối tác.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 áp dụng theo chương trình mới, do vậy Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội điều chỉnh tổ hợp xét tuyển. Cụ thể: môn công nghệ được bổ sung vào tổ hợp xét tuyển các ngành kỹ thuật; môn tin học được bổ sung vào tổ hợp xét tuyển các ngành về công nghệ.
Học viện Kỹ thuật quân sự
Năm 2025, Học viện Kỹ thuật quân sự (MTA) sẽ tuyển 755 học viên, sinh viên hệ dân sự gồm 600 sinh viên bậc đại học và 155 học viên thạc sĩ, tiến sĩ.
Chỉ tiêu đào tạo đại học được phân bổ cho 8 ngành, trong đó, Kỹ thuật điện tử - viễn thông tuyển nhiều sinh viên nhất với 160 chỉ tiêu. Hiện mức học phí cho hệ dân sự chưa được công bố.
6 năm qua, thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nhằm đổi mới, sắp xếp tổ chức các đơn vị quân đội, Học viện Kỹ thuật quân sự dừng tuyển sinh hệ dân sự.
Gần đây, trước tình hình khó khăn về nguồn lực chất lượng cao, trong khi các trường quân đội đủ điều kiện và có thế mạnh ở nhiều ngành, Bộ Quốc phòng xây dựng đề án tiếp tục đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa từ năm 2025.
Ngoài Học viện Kỹ thuật quân sự, nhiều trường quân đội khác cũng sẽ tuyển hệ dân sự trở lại từ năm nay.