Thứ 7, 23/11/2024, 19:23 PM
Bạn đọc đăng tin
Hotline: 0918658465

Mức tăng học phí của một số trường đại học năm 2024-2025

Mức tăng học phí của một số trường đại học năm 2024-2025
(Tieudung.vn) - Hiện nay, đa số các trường đại học (ĐH) đã công bố đề án tuyển sinh năm 2024. Bên cạnh các thông tin tuyển sinh, nhiều trường đại học đã công bố mức học phí cho năm học 2024-2025.

Đa số các trường không còn giữ mức như năm học 2023-2024, có nơi tăng hàng chục triệu đồng/năm.

Sinh viên Trường ĐH Luật TP Hồ Chí Minh năm học 2024-2025 sẽ phải đóng học phí cao hơn năm trước từ 4 triệu đến 16,5 triệu đồng/năm tùy chương trình. Chẳng hạn, ngành luật, luật thương mại quốc tế, quản trị kinh doanh năm 2024 là 35.250.000 đồng/năm, tăng 4 triệu đồng so với năm 2023, chương trình chính quy chất lượng cao ngành luật giảng dạy bằng tiếng Anh năm 2024 là 181.500.000 đồng/năm, tăng 16.500.000 đồng so với năm 2023...

Trường Đại học Mở TP Hồ Chí Minh có mức học phí chương trình chuẩn từ 22 - 27 triệu đồng/năm học, với học phí chương trình đại trà là 26 triệu đồng/năm học. Ở chương trình đào tạo chất lượng cao có mức học phí từ 45 - 48 triệu đồng/năm học. Học phí tăng không quá 10% mỗi năm theo quy định.

Mức tăng học phí của một số trường đại học năm 2024-2025

Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Internet)

Mức học phí dự kiến năm 2024 của Trường Đại học Tôn Đức Thắng cho các ngành tiêu chuẩn dao động từ 27-60,7 triệu. Trong đó, ngành Dược học có học phí cao nhất là 60,7 triệu; ngành Việt Nam học là 50,1 triệu. Học phí phân hiệu ở tỉnh Khánh Hòa dao động từ 20,5 đến 24 triệu/năm.

Tương tự, Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh (UEH) sẽ thực hiện điều chỉnh tăng, giảm hoặc giữ nguyên mức học phí của các loại học phần, chương trình để tiến đến năm học 2025 - 2026 thống nhất 1 mức học phí cho các học phần trong 1 nhóm theo phân loại: Học phần tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Việt các môn tích hợp chứng chỉ quốc tế.

Trong năm học 2024 - 2025, học phí các chương trình tiếng Việt lần lượt là: Chương trình tiên tiến quốc tế (đã kiểm định quốc tế), chương trình tích hợp chứng chỉ nghề nghiệp quốc tế (ACCA và ICAEW) thu 1,065 triệu đồng/tín chỉ; chương trình tiên tiến, cử nhân tài năng, ASEAN Co-op thu 975 nghìn đồng/tín chỉ. Với chương trình tiếng Anh, học phí bằng khoảng 1,2 - 1,4 lần so với chương trình tiếng Việt tương ứng.

Ở khối Khoa học Sức khỏe - những ngành có chi phí đào tạo lớn, các trường công lập cũng công bố mức phí mới cao hơn những năm trước.

Trường Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, ngành Y khoa và Răng - Hàm - Mặt có học phí 74 - 77 triệu đồng/năm. Các ngành đào tạo cử nhân, kỹ thuật khác dao động 41 - 45 triệu đồng/năm. Tại Trường Đại học Y Phạm Ngọc Thạch, với khóa 2024 dự kiến khoảng 41,8 - 55,2 triệu đồng một năm (10 tháng).

Đại học Bách khoa Hà Nội áp dụng có mức học phí chương trình đại học chuẩn từ 17 - 22 triệu đồng/năm học. Chương trình EliTECH - Tiên tiến tương đương 1,3 - 1,5 lần học phí chương trình đại học chuẩn cùng ngành. Riêng chương trình tiếng Anh chuyên nghiệp quốc tế (FL2) và Khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo (IT-E10) học phí gấp 2 chương trình chuẩn.

Đối với chương trình dào tạo quốc tế có mức học phí từ 25 - 30 triệu đồng/học kỳ. Học phí của các chương trình đào tạo quốc tế do Đại học Bách khoa Hà Nội cấp bằng nằm trong khoảng 25 - 30 triệu đồng/học kỳ.

Trong năm học 2024 - 2025, học phí các chương trình tiếng Việt lần lượt là: Chương trình tiên tiến quốc tế (đã kiểm định quốc tế), chương trình tích hợp chứng chỉ nghề nghiệp quốc tế (ACCA và ICAEW) thu 1,065 triệu đồng/tín chỉ; chương trình tiên tiến, cử nhân tài năng, ASEAN Co-op thu 975 nghìn đồng/tín chỉ. Với chương trình tiếng Anh, học phí bằng khoảng 1,2 - 1,4 lần so với chương trình tiếng Việt tương ứng.

Ở khối Khoa học Sức khỏe - những ngành có chi phí đào tạo lớn, các trường công lập cũng công bố mức phí mới cao hơn những năm trước.

Học phí Trường Đại học Luật Hà Nội năm 2024:

- Đối với sinh viên học các chương trình đại trà: mức học phí là 2.538.000 đồng/tháng/sinh viên, tương đương với: 725.000 đồng/ tín chỉ.

- Đối với sinh viên học Chương trình đào tạo chất lượng cao:

+ Mức học phí là 5.076.000 đ/tháng, tương đương: 725.000 đồng/tín chỉ với các môn học thực tập chuyên môn, khóa luận tốt nghiệp, giáo dục quốc phòng .

+ Mức học phí là 1.600.000 đồng/tín chỉ với các môn học khác.

Học phí Trường Đại học Y Dược - Đại học Quốc gia Hà Nội

- Ngành Y khoa: 5.500.000 đồng/tháng 10 tháng/năm.

- Ngành Dược học: 5.100.000 đồng/tháng 10 tháng/năm.

- Các ngành còn lại: 2.760.000 đồng/tháng 10 tháng/năm.

Học phí Trường Đại học Hà Nội năm 2024:

- Nhóm dạy chuyên ngành bằng ngoại ngữ

+ Các học phần thuộc khối kiến thức giáo dục đại cương: 720.000 đ/tín chỉ.

+ Các học phần thuộc khối kiến thức cơ sở ngành, chuyên ngành, bổ trợ, TN, thực tập và khóa luận tốt nghiệp:

• 820.000 đ/tín chỉ (với ngành Truyền thông doanh nghiệp dạy bằng tiếng Pháp).

• 880.000 đ/tín chỉ (với các ngành dạy bằng tiếng Anh).

• 1.030.000 đ/tín chỉ (với ngành tài chính)

• 1.740.000 đ/tín chỉ (với CTĐT tiên tiến các ngành: Công nghệ thông tin và Quản trị Dịch vụ du lịch và lữ hành dạy bằng tiếng Anh).

- Nhóm ngành Ngôn ngữ:

+ Các học phần của CTĐT tiêu chuẩn và các học phần thuộc khối kiến thức giáo dục đại cương và cơ sở ngành (dạy bằng tiếng Việt) của CTĐT tiên tiến: 720.000 đồng/tín chỉ.

+ Các học phần thuộc khối kiến thức cơ sở ngành (dạy bằng ngoại ngữ), ngành, chuyên ngành, thực tập và khóa luận tốt nghiệp của CTĐT tiên tiến:

• 1.140.000 đồng/tín chỉ (với ngành Ngôn ngữ Italia).

• 1.400.000 đồng/tín chỉ (với ngành Ngôn ngữ Anh và Ngôn ngữ Trung Quốc).

Học viện Báo chí và Tuyên truyền:

Mức học phí năm 2024 của Học viện Báo chí và Tuyên truyền dự kiến là 506.900 đồng một tín chỉ, áp dụng với các chương trình đại trà.

Học phí đối với các ngành Quảng cáo, Quan hệ công chúng chuyên nghiệp, Quan hệ chính trị và truyền thông quốc tế, đối ngoại, Ngôn ngữ Anh, Xã hội học, Biên tập xuất bản thu dự kiến ở mức 1.058.200 triệu đồng một tín chỉ.

Các ngành đào tạo giảng viên lý luận chính trị bao gồm Triết học, Chủ nghĩa khoa học, Kinh tế chính trị, Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Tư tưởng Hồ Chí Minh sẽ được miễn học phí.

Năm 2024, học phí Trường Đại học Sài Gòn đối với các ngành thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên được thực hiện chính sách hỗ trợ học phí, chi phí sinh hoạt theo Nghị định 116/2020 của Chính phủ (ngành Quản lý giáo dục không thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên). Học phí dự kiến đối với sinh viên các chương trình đào tạo chất lượng cao cụ thể là ngành Kế toán và Quản trị kinh doanh 27,491 triệu đồng/ năm học, ngành Ngôn ngữ Anh 28,674 triệu đồng/ năm học, ngành Công nghệ thông tin 32,67 triệu đồng/ năm học. Học phí các ngành khác theo Nghị định 81/2021 của Chính phủ.

Với các trường đại học tư thục, Trường Đại học FPT đã có thông báo các mức học phí áp dụng cho sinh viên nhập học mới năm 2024 hệ đại học chính quy tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, với mức tăng học phí từ 1,8-2 triệu đồng/học kỳ ngay trong khóa học. Cụ thể, chương trình chính khóa gồm 9 học kỳ (bao gồm cả giai đoạn thực tập tại doanh nghiệp), mỗi học kỳ 4 tháng, học phí chuyên ngành được chia làm 3 mức: từ học kỳ 1 đến học kỳ 3: 28,7 triệu đồng/học kỳ; từ học kỳ 4 đến học kỳ 6: 30,5 triệu đồng/học kỳ và từ học kỳ 7 đến học kỳ 9: 32,5 triệu đồng/học kỳ.

Như vậy, sinh viên phải đóng 3 mức học phí khác nhau trong một khóa học, mức sau cao hơn mức trước từ 1,8-2 triệu đồng/học kỳ. Trong khi đó, ở năm học 2023-2024, tại cơ sở đào tạo Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, học phí chuyên ngành (từ năm 2 tới năm 4) chỉ có một mức là 28,7 triệu đồng/học kỳ.

Trường Đại học RMIT mức học phí năm học 2024-2025 tăng khoảng 5% so với năm 2023, tính ra mỗi năm sinh viên phải đóng thêm khoảng hơn 15 triệu đồng và toàn khóa tăng gần 48 triệu đồng. Riêng các chương trình kỹ sư tăng tới hơn 63 triệu đồng/khóa.

Cụ thể, năm 2024 học phí chương trình cử nhân của trường (mỗi năm trung bình học 8 môn với 96 tín chỉ) là 334.570.000 đồng/năm và toàn khóa là 1.003.709.000 đồng, riêng ngành mới sản xuất phim kỹ thuật số là 347.436.000 đồng/năm và toàn khóa là 1.042.309.000 đồng. Trong khi đó, 3 chương trình kỹ sư tăng thành 318.633.500 đồng/năm và 1.338.278.000 đồng/khóa.

Theo ThS Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm Truyền thông và Tuyển sinh, Trường Đại học Công Thương TP Hồ Chí Minh, trong xu hướng tự chủ hiện nay của các trường đại học, học phí sẽ được điều chỉnh sát với chi phí đào tạo, tức là sẽ tăng. Học phí tăng dẫn đến tâm lý e ngại và khó khăn cho người học.

Do đó, cùng với tăng học phí, các trường phải cam kết dành tỷ lệ nhất định nguồn thu học phí để lập các quỹ học bổng, hỗ trợ sinh viên. Ngoài ra, các trường cũng có thêm nhiều chính sách huy động từ doanh nghiệp, nhà hảo tâm để hỗ trợ người học diện chính sách.

Bên cạnh chính sách học bổng, các trường đại học và tổ chức còn phối hợp, cho ra đời nhiều chính sách tín dụng cho sinh viên với lãi suất ưu đãi.

Theo đó, nếu việc học ở giảng đường khó khăn vì tài chính do kinh tế gia đình eo hẹp, SV có thể tìm đến các quỹ, gói hỗ trợ từ nhà trường, doanh nghiệp.

Tags:
3.8 19 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Tin liên quan

Chuyên trang Tiêu dùng - Báo Kinh tế & Đô thị điện tử, Cơ quan của UBND TP. Hà Nội
Giấy phép số: 27/GP-CBC do Bộ Thông tin & Truyền thông cấp ngày 17/05/2022
Tổng Biên tập: Nguyễn Thành Lợi

() Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Tieudung.kinhtedothi.vn

Share facebook Share google Share twitter Share linkedin Share pinterest
1.31670 sec| 821.164 kb