Liên quan đến công tác đảm bảo an toàn cho kỳ thi, thượng tá Ngô Xuân Hải, Phó Trưởng phòng An ninh Chính trị nội bộ, Công an TP Hà Nội nhấn mạnh tính chất quan trọng của kỳ thi tốt nghiệp THPT, đặc biệt là đề thi trong kỳ thi này thuộc tài liệu bí mật Nhà nước độ tối mật.
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Internet)
Trách nhiệm của cán bộ làm công tác thi là phải đảm bảo an toàn tuyệt đối đề thi, bài thi. Công tác tuyên truyền cần tăng cường để thí sinh quán triệt về việc không được mang điện thoại hoặc thiết bị công nghệ cao vào phòng thi.
Thượng tá Ngô Xuân Hải cho biết, mặc dù đã phổ biến rõ nhưng trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm nay của Hà Nội vẫn có 3 trường hợp thí sinh mang điện thoại vào phòng thi, phải xử lý vì liên quan đến khả năng lộ đề thi. Điều này cho thấy công tác tuyên truyền, quán triệt trước thời điểm thí sinh vào phòng thi vẫn phải tiếp tục đẩy mạnh.
Trước lo lắng của giám thị về việc khó kiểm tra, phát hiện thí sinh mang thiết bị vào phòng thi, ông Hải cho biết đã có đề xuất trang bị cho các điểm thi thiết bị rà soát điện thoại, thiết bị công nghệ vào phòng thi.
Tuy nhiên, trong kỳ thi đánh giá năng lực tháng 4 vừa qua, Cơ quan Công an đã phát hiện có 5 thí sinh mang điện thoại vào phòng thi, 3 trong số 5 thí sinh đã chụp đề thi ra ngoài.
Trong trường hợp này, dù đã dùng thiết bị quét nhưng vẫn không phát hiện được do thí sinh cố tình che giấu.
Do vậy, việc tập huấn cho giám thị tại các điểm thi trên toàn thành phố được Ban Chỉ đạo thi rất quan tâm với sự hỗ trợ từ lực lượng công an. Thượng tá Hà Thị Hằng, Phó trưởng phòng Kỹ thuật nghiệp vụ, Công an TP Hà Nội cho biết, luôn có những dấu hiệu để phát hiện thí sinh sử dụng các thiết bị công nghệ cao trong phòng thi.
“Giám thị có thể nhận biết, phát hiện thí sinh sử dụng thiết bị kỹ thuật gian lận thi cử thông qua quan sát vật dụng và quan sát biểu cảm, cử chỉ của thí sinh khi làm bài thi. Thí sinh có thể có những biểu hiện tâm lý, dáng vẻ khác thường thời tiết nóng bức nhưng mặc áo dài tay, áo nhiều lớp, cổ áo túi áo dày cộm; miệng lẩm nhẩm đọc đề hoặc đọc phát ra rõ tiếng.
Quá trình làm bài thi, thí sinh không tập trung, thể hiện chờ đợi thông tin qua thiết bị giấu trong người, ngồi không yên, thường quan sát cán bộ coi thi, hay để tay lên mặt, vị trí tai vì sợ rơi hoặc thiết bị trong tai gây ngứa, khó chịu” – thượng tá Hà Thị Hằng chia sẻ.
Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương cho biết, chỉ còn 4 ngày nữa bắt đầu kỳ thi tốt nghiệp THPT, với kết quả đạt được, kỳ thi lớp 10 là tiền đề tốt để Hà Nội tổ chức kỳ thi lần này.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, Hà Nội có 108.573 thí sinh đăng ký dự thi, gấp 34 lần thí sinh tỉnh Bắc Kạn, bằng 1/10 cả nước, kỳ thi có sức ép rất lớn, trách nhiệm rất nặng nề.
Giám đốc Sở đặc biệt lưu ý với những cán bộ lần đầu tiên tham gia công tác tổ chức thi với sự tham gia của một số trường tư thục hay các phó điểm thi phụ trách cơ sở vật chất được giao nhiệm vụ làm Điểm trưởng cần nghiêm túc tham gia tập huấn để được giải đáp mọi thắc mắc và nắm vững quy chế thi.