Theo phổ điểm Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố, điểm trung bình thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021 tăng ở nhiều môn thi, số lượng bài thi đạt điểm cao cũng tăng thêm khá lớn ở các môn như: Tiếng Anh, Ngữ văn, Giáo dục công dân, Sinh học...
Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet
“Điểm chuẩn xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông (điểm trúng tuyển) của các trường phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: Kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông với điểm của các môn thi là thành phần của tổ hợp xét tuyển; chỉ tiêu tuyển sinh; số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển vào một ngành, một chương trình đào tạo” – Vụ trưởng Vụ giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thu Thuỷ cho biết.
TS Nguyễn Đào Tùng - Phó Giám đốc Học viện Tài chính nhận định, với phổ điểm năm nay, các trường đại học sẽ thuận lợi trong xét tuyển, điểm chuẩn có thể tăng nhẹ. Cụ thể, điểm chuẩn khối A1 và D0 sẽ nhích lên 1 điểm. Điểm chuẩn khối B bằng hoặc thấp hơn năm ngoái. Riêng điểm chuẩn khối có tổ hợp môn Giáo dục công dân sẽ tăng vọt vì năm nay điểm môn này rất cao. Tuy nhiên, những ngành hot của các trường đại học tốp đầu khó có thể tăng nhiều, cùng lắm nhích lên 0,5 điểm.
Dự kiến về điểm chuẩn của những ngành đào tạo Trường ĐH Bách khoa Hà Nội năm 2021, PGS.TS Nguyễn Phong Điền - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho rằng, những ngành năm ngoái có điểm chuẩn từ 23-25 điểm thì năm nay sẽ tăng khoảng 1 điểm. Những ngành năm ngoái có điểm chuẩn từ 26 trở lên, thí sinh có thể tham khảo điểm chuẩn năm 2020 để đăng ký xét tuyển vì điểm sẽ cơ bản tương đương. Đến giữa tháng 8, dựa trên dữ liệu sơ bộ thí sinh đăng ký, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ có dự báo khung điểm chuẩn các ngành để thí sinh tham khảo.
Căn cứ vào phổ điểm các môn và các khối, thầy Trần Mạnh Tùng (giáo viên Toán THPT tại Hà Nội) cho biết, có thể dự đoán điểm chuẩn vào đại học khối A, B sẽ giảm từ 0,5 - 1 điểm so với năm ngoái. Đối với khối A1, điểm chuẩn sẽ tăng nhẹ từ 0,5 - 1,5 điểm. Điểm chuẩn khối C tăng từ 0,5 - 1 điểm. Nếu xét theo các nhóm trường thì điểm chuẩn các trường đại học tốp đầu ít biến động, tương tự năm 2020. Các ngành hot vẫn tăng từ 0,5 - 1 điểm như: Kinh tế, Quản trị kinh doanh, Tài chính, Công nghệ thông tin, Truyền thông, Báo chí... Điểm chuẩn các trường đại học tốp giữa sẽ tăng khá mạnh, từ 1 - 2 điểm. Riêng các trường tốp cuối sẽ không tăng điểm chuẩn.
TS Dương Thăng Long, Phó hiệu trưởng Đại học Mở Hà Nội, đánh giá phổ điểm năm nay khá ổn, trong đó các môn Toán, Lý, Hóa và Địa lý có phổ điểm đẹp. Hai môn Lý và Hóa có sự phân hóa cao. Điều này tạo điều kiện cho các đại học lựa chọn được sinh viên theo đúng "phân khúc".
Đại học Mở Hà Nội tuyển sinh 17 ngành với 3.200 chỉ tiêu xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT. Với các tổ hợp xét tuyển là A00 (Toán, Lý, Hóa), B00 (Toán, Hóa, Sinh), C00 (Văn, Sử, Địa), C01 (Văn, Toán, Lý), H00 (Văn, Năng khiếu vẽ nghệ thuật 1 và 2), H01 (Toán, Văn, Vẽ) và D04 (Toán, Văn, Tiếng Trung), ông Long cho biết dự kiến điểm chuẩn sẽ không nhiều biến động.
Tuy nhiên, trường còn xét tuyển bằng 4 tổ hợp khác có môn Tiếng Anh là A01 (Toán, Lý, Anh), D01 (Toán, Văn, Anh), H06 (Văn, Tiếng Anh, Vẽ mỹ thuật) và D07 (Toán, Hóa, Anh). Những ngành này có khả năng điểm chuẩn nhỉnh hơn một chút bởi điểm thi môn này tăng.
"Phổ điểm tiếng Anh tạo nên biểu đồ hai đỉnh và phân bố đậm đặc số thí sinh ở sườn phải dẫn đến sự phân bố không mịn, độ phân hóa chưa cao. Vì vậy, với các tổ hợp xét tuyển có môn tiếng Anh, hai môn còn lại sẽ đóng vai trò phân hóa, chiếm tỷ trọng 2/3. Nếu tổ hợp sử dụng môn tiếng Anh hệ số 2 thì tỷ trọng phân hóa của hai môn còn lại chỉ còn là 1/2", ông Long giải thích.
GS Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội, dự đoán điểm chuẩn các khối A00, A01, D01 sẽ cao hơn so với năm trước. Các tổ hợp khác, ngưỡng xét tuyển đầu vào có thể ổn định, không có sự khác biệt. Với các trường top trên, điểm đầu vào có thể cao như năm ngoái nhưng hoàn toàn có thể tuyển được người học có chất lượng.
Hiện các trường đại học dần công bố điểm chuẩn, điều kiện trúng tuyển cho các phương thức xét tuyển: Tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển; xét kết quả học bạ THPT; xét điểm thi đánh giá năng lực; các phương thức xét tuyển kết hợp khác. Với phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT (thường chiếm hơn 50% tổng chỉ tiêu các trường), việc xét tuyển sẽ được thực hiện sau kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 2.