Nhiều vụ ngộ độc liên quan đến học sinh
Thời gian qua, Cục An toàn thực phẩm (ATTP), Bộ Y tế liên tục tiếp nhận thông tin về vụ nghi ngờ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại một số địa phương liên quan đến học sinh.
Gần đây nhất là vụ xảy ra tại Trường THCS và THPT Kiên Hải (Kiên Giang) khiến 23 học sinh nghi ngộ độc phải nhập viện điều trị.
Tiếp đó là vụ nghi ngờ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại Trường Phổ thông dân tộc (PTDT) nội trú THCS & THPT huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang. Cụ thể, khoảng 55 học sinh có biểu hiện đau bụng, buồn nôn và chóng mặt sau khi ăn thực phẩm trong tiệc liên hoan Trung thu tổ chức tại trường.
Lãnh đạo huyện Xín Mần, Hà Giang thăm hỏi, động viên các em học sinh đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Xín Mần. Ảnh: Cổng TTĐT huyện Xín Mần
Trước đó, tại trường có tổ chức cho học sinh cùng ăn bữa tối thức ăn gồm: cơm trắng, trứng gà rán, lạc rang và canh bí đỏ. Sau khi ăn bữa chính, nhà trường tổ chức liên hoan Tết Trung thu tại lớp cho học sinh từ lớp 6 đến lớp 9 (khoảng 300 học sinh), đồ ăn gồm: kẹo, bim bim, bánh gạo, thạch rau câu, nước trà chanh.
Sau ăn, một số cháu có biểu hiện đau đầu, buồn nôn, đau bụng và được đưa đến Bệnh viện Đa khoa huyện Xín Mần khám, theo dõi, điều trị.
Ngoài ra, vụ nghi ngờ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại Trường THCS Tôn Đức Thắng (địa chỉ: TP Pleiku, tỉnh Gia Lai). Trong đó, có khoảng 21 học sinh có biểu hiện đau bụng, buồn nôn và chóng mặt sau khi ăn thực phẩm trong tiệc liên hoan Trung thu tổ chức tại lớp 7/1.
Trước đó, Ban đại diện phụ huynh lớp 7/1 đã tổ chức một buổi liên hoan cho các học sinh nhân dịp Tết Trung thu, với trà sữa được mua từ tiệm chè, trà sữa C.B.S.G. trên đường Phùng Hưng.
Sau buổi liên hoan, một số học sinh có triệu chứng đau bụng, buồn nôn và chóng mặt. Qua kiểm tra ban đầu, trong 34 học sinh uống trà sữa, có 21 em xuất hiện các triệu chứng như đau bụng, chóng mặt, nôn ói; 13 em còn lại chưa có biểu hiện gì.
Liên quan đến vấn đề này, Cục ATTP đề nghị Sở Y tế tỉnh Kiên Giang, Gia Lai, Hà Giang tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở cung cấp thực phẩm có nghi ngờ gây ngộ độc thực phẩm. Mặt khác, các đơn vị tổ chức điều tra, truy xuất nguồn gốc thực phẩm để xác định rõ nguồn cung cấp nguyên liệu, thực phẩm cho cơ sở chế biến nghi ngờ gây ngộ độc; lấy mẫu thực phẩm, bệnh phẩm để xét nghiệm tìm nguyên nhân.
Thực tế, thời gian qua, nhiều địa phương đã ghi nhận các vụ ngộ độc thực phẩm liên quan đến học sinh. Điển hình nhất là vụ ngộ độc thực phẩm sau đêm tiệc Trung thu tại chung cư Palm Heights (Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) đã ghi nhận 50 trường hợp ngộ độc có những triệu chứng như đau bụng, tiêu chảy, nôn ói, sốt. Trong đó có 19 người nhập viện và một bệnh nhi tử vong.
Ban quản lý ATTP TP Hồ Chí Minh kết luận, bánh su kem là thức ăn gây ra vụ ngộ độc thực phẩm trong đêm Trung thu tại chung cư Palm Heights (TP Thủ Đức).
Các chuyên gia y tế nhận định, đây là trường hợp ngộ độc thực phẩm hàng loạt, diễn biến phức tạp và khó nhận biết hơn so với các trường hợp ngộ độc thực phẩm hàng loạt trước đây thường xảy ra tại các trường học.
Ngăn ngừa, giảm thiểu nguy cơ ngộ độc thực phẩm bếp ăn tập thể
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, thời gian qua, công tác phòng chống ngộ độc thực phẩm đã đạt được những kết quả nhất định nhưng vẫn tồn tại nhiều nguy cơ ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là tại bếp ăn tập thể của khu công nghiệp, khu chế xuất, trường học... với quy mô hàng nghìn suất ăn.
Nhằm ngăn ngừa, giảm thiểu tối đa nguy cơ ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể, Bộ Y tế đề nghị các đơn vị tăng cường thanh kiểm tra, giám sát ATTP, tập trung vào các cơ sở chế biến suất ăn sẵn, bếp ăn tập thể tại khu công nghiệp, trường học và cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, cơ sở sản xuất kinh doanh nước uống đóng chai, đóng bình.
“Đặc biệt, cơ quan chức năng kiên quyết xử lý nghiêm và đình chỉ hoạt động các cơ sở không bảo đảm điều kiện ATTP, cơ sở không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP” – Bộ Y tế lưu ý.
Tại Hà Nội, thời gian qua, công tác kiểm tra giám sát các bếp ăn tập thể trường học của TP luôn được đẩy mạnh. Mục tiêu là 100% cơ sở được kiểm tra, giám sát theo quy định, cụ thể trong năm 2023 đạt tỷ lệ 84,5% cơ sở được kiểm tra.
Đoàn kiểm tra liên ngành số 1 về an toàn vệ sinh thực phẩm của Hà Nội kiểm tra bếp ăn tại một trường học trên địa bàn TP.
Qua công tác kiểm tra của các đoàn kiểm tra TP, ý thức phòng chống ngộ độc thực phẩm tại các bếp ăn tập thể của các trường học được nâng cao hơn.
Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong cho biết, từ nay đến cuối năm, công tác quản lý ATTP tiếp tục được tăng cường, trong đó, TP tập trung triển khai kế hoạch chuyên đề “Tăng cường kiểm soát ATTP trong và xung quanh cổng trường học trên địa bàn Hà Nội” đối với các cơ sở giáo dục.
Theo kế hoạch, Hà Nội sẽ rà soát, thống kê các cơ sở giáo dục, bếp ăn tập thể, căng tin trường học trên địa bàn quản lý. Đồng thời, cơ quan chức năng điều tra, rà soát, cập nhật thường xuyên, liên tục các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, kinh doanh tạp hóa có bán thực phẩm bao gói sẵn, thực phẩm chế biến ăn ngay theo từng ngành hàng, mặt hàng thực phẩm xung quanh cổng trường học.
Bên cạnh đó, TP triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả công tác kiểm soát ATTP trong và xung quanh cổng trường có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào nhóm thực phẩm có nguy cơ cao, thức ăn đồ uống ăn ngay, các cơ sở cung cấp suất ăn sẵn.
Đại diện Sở Y tế Hà Nội mong muốn người dân khi thấy các quán hàng không bảo đảm ATTP trước cổng trường hoặc phát hiện cơ sở có dấu hiệu vi phạm ATTP hãy gửi thông tin đến đường dây nóng (0823.88.9095; 0922.55.9095) để cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, giải quyết.