Thứ 3, 16/04/2024, 23:34 PM
Bạn đọc đăng tin
Hotline: 0918658465

'Sự tích' phở Việt - Kỳ 3: Phở trong ghi chép của cụ Vương Hồng Sển

'Sự tích' phở Việt - Kỳ 3: Phở trong ghi chép của cụ Vương Hồng Sển
(Tieudung.vn) - Cụ Vương Hồng Sển viết về phở trong “Sài Gòn tạp pín lù”, hoàn toàn mang phong vị phương Nam.

Đi theo những trang viết của cụ Vương trên đất Sài Gòn những năm tao loạn 1945- 1946, và lúc cụ vừa có được mụn con trai đầu lòng năm  1950 thì như vầy nè “Vợ chồng tôi và con ngồi xe xích lô máy từ chợ Bà Chiểu xuống Sài Gòn nếm ba tô phở đường Turc. Rồi đưa nhau đi xem xi nê, rồi trở về nhà cũng bằng xích lô mà vẫn chưa xài hết 100 bạc (100$00). 

'Sự tích' phở Việt - Kỳ 3: Phở trong ghi chép của cụ Vương Hồng Sển

Năm 1950, tôi làm công nhựt nơi viện bảo tàng trong vườn Bách Thảo, lãnh lương công nhựt 2,745$ mỗi tháng, thế mà đủ chi dụng. Thêm có dư mua sắm đồ cổ ngoạn theo sở thích. Tô phở đường Turc, anh Ba Bò bán mỗi tô 10$, gọi thêm chén thịt 5$ là ê hề. Thịt cục nào cục nấy lớn bằng một tô thịt vụn ngày nay. Đã thơm ngon thêm thật nới tiền, ngày nay còn nhớ và cũng nhớ luôn anh Ba Bò bán thịt rẻ vì là thịt của Chùa. Chùa này không phải chùa Phật mà vốn là thịt của Sở Thủy Binh Pháp. Người ta “chọt” và để nới giá cho anh Ba!

Ngày nào, bây giờ, còn phở để thưởng thức xin đừng tiếc tiền và đừng chê mắc, còn nếm phở được là còn sức khỏe, hơn một ngày nào đây, các quán phở dẹp lần, ngầu pín lù (phở dậu bò nấu nhừ) và phở tái giá. Một tôi phở tái, vừa ngon vừa bổ, viên thuốc có sâm nhung không đổi và hoan hô phở Turc, phở chị Mai đường La Grandière cũ. Sau này hoan hô phở 79, phở Hòa ngang nhà thương thuốc chó, phở Tàu Bay, phở Huỳnh, phở Quỳnh ngã tư Phú Nhuận và gần đây hơn hết, 15$ một tô “ăn được lắm” là phở của vợ chồng anh quán đường Lê Quang Định, chợ Bà Chiểu của tôi. Phở Hòa, ngang nhà thương Pastuer có đến hai quán, Hòa lớn ngon hơn Hòa nhỏ. Hòa lớn có món vú bò, ngầu pín ngon đáo để. Lúc ấy chỉ có 15 đồng bạc cũ (ba đồng ngày nay) mỗi tô, ngon không hơn phở hai quán nơi ngã tư Phú Nhuận. Quỳnh có trước Huỳnh và mấy cô con gái đứng dọn ăn, mỹ miều như mấy cành lay đơn (glayeul) tư Đà Lạt di cư về đây. Phở Huỳnh có hương vị nửa pha Tây vì nước lèo là nước xúp, nửa pha Tàu vì để hương liệu thơm tho.

Mô tả ảnh.
 

Lại nhắc đến tô hủ tíu của chú Ba Tàu. Hỏi chú chệch Tiều (Triều Châu), chú sửa cục thuốc xỉa qua bên môi và cắt nghĩa: Củi viết ra Hán tự là quế, tíu muốn dịch là tiểu hay thiểu (nhỏ) đều nghe không thông, nhưng không dám đảm bảo là chắc và củi tíu là bánh bột cọng nhỏ, nếu theo điệu Tiều. Gia vị, tôm tươi, chả cá, gan heo, bao tử luộc ram lại gọi là phá lấu. Chút ít thịt gà, thì gọi củi tíu cá gà hoặc vài miếng thì gọi củi tíu thịt. Nhưng đó là củi tíu Tiều, sau đó ta chế lại và gọi củi tíu Nam Vang hoặc củi tíu Mỹ Tho tùy nơi bày chế và nay có thêm món mì Quảng (không nên lầm với tô mì Quảng Đông vì đây là mì bình dân do dân “ngũ Quảng” của ta nhập cảng vào Sài Gòn cũng gần đây thôi) và đã nhắc thì phải nói luôn, củi tíu Tiều khi do tay bếp Quảng Đông nấu, thì đã thay hương vị và đổi luôn danh từ để gọi hủ tiếu – cắt giải nghĩa rồi. Và tô hủ tíu Quảng Đôn chỉ thay thế chả cá bằng miếng bánh chiên tép tươi. Và hủ tíu theo ông bạn quá cô Lê Ngọc Trụ là hủ mộc phấn thổ, hủ tíu, người Quảng Đông cũng gọi phảnh và danh từ nầy khi lọt về tay đồng bào Bắc Việt, ngầu dục phảnh (ngưu nhục phấn), tao không thèm gọi như chúng mi nữa và biến ra ngưu nhục phở, kêu tắt là phở lại càng thêm gọn. Từ cái mùi Ba Tàu hủ tíu: ba xu xưa, một tô nhỏ, sáu xu (0$60) một tô trộng trộng, vừa có ít sợi mì vàng, ít sợi bún phảnh (bột mục nát), bước một bước qua ranh Bắc Việt phở đã mất mùi chệc và vẫn thơm ngon béo bổ hơn hủ tíu Tàu nhiều. Phở nấu và ăn với nước cốt thịt bò, vitamin giàu hơn nhứt là cách đây mấy tháng, khi phở Huỳnh Phú Nhuận còn mở cửa, trời sáng lạnh lạnh, tô phở bay nghi ngút, tay cầm đũa, vít miếng thịt mềm nhừ hay miếng mỡ gầu vừa ngon vừa dai, gion gion giòn giòn, chấm một chút tương cay, mắt liếc tay ngọc bưng tô cho bàn bên cạnh, tưởng đâu mình đã theo Lưu Nguyễn lạc lối thiên thai. Với mười bảy đồng hay hai chục đồng mà nếm tô phở Huỳnh buổi ấy hơn Lưu Nguyễn bội phần vì hai chàng lạc lối cảnh ăn đào thiếu bổ!

Thử hỏi tại sao các người bỏ chạy, qua Tây gặp nếu một khi kia có chiến tranh, sẽ bị dồn trú trại tập trung (camp de concentration), bị phát thẻ cấp phát từ giọt (carte de ravitaillement, au compte-goutte) bằng như qua Mỹ hai nơi khác, làm sao có phở ngon bì phở nơi quê nhà. Nhiều khi thanh đạm mà thú vị hơn nếm cao lương mỹ vị mà nhớ nhà nhớ quê hương xứ sở. Hạnh phúc là đâu? Chẳng qua tùy nơi lòng mình, xây dựng cõi xa, sao bằng “an phận tùy duyên”, người ta sao thì mình vậy, cũng có ngày ráo tạnh, tôi chỉ sợ và trách quán mì phở thiếu vệ sinh, tôi sợ bịnh lây nhưng vẫn không sợ “trời mưa” vì mưa thét cũng có khi dứt hột, nắng thét cũng có luc dịu mát và nói thêm nữa là thừa.

Tags:
3.5 25 5 Nhấn vào đây để đánh giá

Chuyên trang Tiêu dùng - Báo Kinh tế & Đô thị điện tử, Cơ quan của UBND TP. Hà Nội
Giấy phép số: 27/GP-CBC do Bộ Thông tin & Truyền thông cấp ngày 17/05/2022
Tổng Biên tập: Nguyễn Thành Lợi

() Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Tieudung.kinhtedothi.vn

Share facebook Share google Share twitter Share linkedin Share pinterest
2.06498 sec| 788.578 kb