Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương vừa cho biết, hiện trên biển Đông có hai áp thấp nhiệt đới gồm áp thấp nhiệt đới gần bờ và áp thấp nhiệt đới trên khu vực biển Đông.
Đường đi và vị trí cơn bão.
Tin áp thấp nhiệt đới gần bờ
Hồi 10 giờ ngày 2/9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 18,6 độ Vĩ Bắc; 110,5 độ Kinh Đông, phía Đông đảo Hải Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60km/giờ), giật cấp 9. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 100km tính từ tâm áp thấp nhiệt đới.
Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Nam mỗi giờ đi được khoảng 15-20km và có khả năng mạnh lên thành bão. Đến 10 giờ ngày 03/9, vị trí tâm bão ở khoảng 17,0 độ Vĩ Bắc; 108,0 độ Kinh Đông, trên vùng biển các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chậm theo hướng Tây Tây Nam, rồi di chuyển theo hướng Đông Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 5km. Đến 10 giờ ngày 4/9, vị trí tâm bão ở khoảng 17,5 độ Vĩ Bắc; 109,6 độ Kinh Đông, cách đất liền các tỉnh từ Quảng Trị-Quảng Nam khoảng 200km về phía Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10.
Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Đông Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10km.
Tin áp thấp nhiệt đới trên khu vực giữa biển Đông
Hồi 10 giờ ngày 2/9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 14,5 độ Vĩ Bắc; 116,0 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 100km tính từ tâm áp thấp nhiệt đới.
Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển chậm theo hướng Bắc Đông Bắc mỗi giờ đi được khoảng 5-10km. Đến 10 giờ ngày 03/9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 16,4 độ Vĩ Bắc; 116,4 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 400km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10km. Đến 10 giờ ngày 4/9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 18,1 độ Vĩ Bắc; 113,7 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 190km về phía Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8.
Cảnh báo gió mạnh và vùng nguy hiểm trên biển
Cảnh báo gió mạnh: Khu vực Vịnh Bắc Bộ, vùng biển từ Quảng Trị đến Bình Định có gió mạnh dần lên cấp 6, vùng gần tâm ATNĐ/bão cấp 7-8, giật cấp 10; sóng biển cao 3,0-4,0m; biển động rất mạnh, từ gần sáng và ngày mai (03/9) vùng ven biển các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Nam có gió mạnh cấp 5, có nơi cấp 6, giật cấp 7.
Ngoài ra: Do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam cường độ mạnh nên vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, khu vực Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8. Sóng biển cao 2,5-3,5m. Biển động mạnh.
Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới do áp thấp nhiệt đới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên): Phía Bắc vĩ tuyến 13,0 độ Vĩ Bắc.
Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
Trước diễn biến của 2 áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông, sáng nay (2/9), Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã tổ chức họp để ứng phó.
Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT họp ứng phó diễn biến Áp thấp nhiệt đới phức tạp sáng 2/9.
Tại cuộc họp, Ban Chỉ đạo phòng chống thiên tai nhấn mạnh việc tồn tại 2 cơn áp thấp nhiệt đới cùng lúc trên Biển Đông sẽ gây ra mưa giông, gió mạnh trên phạm vi rộng. Các địa phương ven biển cần tổ chức kiểm đếm tàu thuyền, hướng dẫn neo đậu tại bến, căn cứ tình hình cụ thể để quyết định cấm biển.
Trên đất liền, từ nay đến ngày 6/9, các tỉnh, thành từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi sẽ có mưa lớn, với lượng mưa dự báo 300 - 500 mm/đợt. Khả năng ngập úng ảnh hưởng đến khoảng 19.000 ha lúa đang ở giai đoạn chín, tập trung chủ yếu tại các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh.
Các địa phương cần tập trung thu hoạch các diện tích lúa, cây trồng đã đến kỳ thu hoạch; chủ động tiêu thoát nước đệm bảo vệ sản xuất; kiểm tra hệ thống đê điều, hồ đập, công trình phòng chống thiên tai; kiểm tra, rà soát những khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, vùng thấp trũng để chủ động sơ tán dân đến nơi an toàn.
Tình hình thiệt hại do bão số 4: Hiện 3 người chết và 4 người bị thương; 1.355 nhà ở bị hư hại, tốc mái; 341 Nhà bị ngập; 02 tàu bị chìm và 03 tàu bị hỏng máy; 10.085ha lúa bị đổ; 438 ha hoa màu bị hư hại; 6.667 con gia súc, gia cầm bị chết và cuốn trôi; 1.199 ha Thủy sản bị thiệt hại. Tại Thanh Hóa hiện còn 1 điểm trên QL217B và 02 điểm (ĐT.519B và ĐT518) bị ngập sâu khoảng 0,3m.