Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung chủ trì tại điểm cầu Hà Nội. Cùng dự có Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng.
|
Tổng Thanh tra Chỉnh phủ Lê Minh Khái. Ảnh Báo Thanh Tra |
Giảm 33% đoàn đông người đến trụ sở tiếp công dân cấp T.Ư
Báo cáo tại Hội nghị, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh cho biết: Năm 2017, toàn ngành đã triển khai 7.539 cuộc thanh tra hành chính và 237.284 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; phát hiện vi phạm về kinh tế 67.754 tỷ đồng, 17.586ha đất, đã kiến nghị thu hồi 43.321 tỷ đồng, 4.941ha đất;… chấn chỉnh quản lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực.
Trong đó, Thanh tra Chính phủ tiến hành 54 cuộc thanh tra, tập trung vào công tác quản lý nhà nước của các bộ, ngành; công tác quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai, chuyển đổi nhà, đất công có vị trí đắc địa, đầu tư xây dựng của địa phương; việc chấp hành các quy định pháp luật về quản lý và sử dụng vốn, tài sản của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước; lĩnh vực giáo dục, y tế và thanh tra trách nhiệm trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng.
Về công tác tiếp công dân, các cơ quan hành chính nhà nước các cấp đã tiếp 415.383 lượt công dân (tăng 14% so với năm 2016) với 310.633 vụ việc (tăng 66% so với năm 2016); có 5.624 đoàn đông người (tăng 15% so với năm 2016).
Đáng chú ý, trụ sở tiếp công dân của T.Ư Đảng và Nhà nước tại TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh tiếp 14.297 lượt người (giảm 35% so với năm 2016) với 4.694 vụ việc (giảm 27% so với năm 2016); có 405 đoàn đông người (giảm 33% so với năm 2016). Đối với các bộ, ngành, địa phương đã tiếp 401.081 lượt công dân với 305.939 vụ việc; có 5.215 lượt đoàn đông người.
Qua công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết quyết khiếu nại, tố cáo cơ quan thanh tra các cấp đã phát hiện 87 vụ việc với 123 người có hành vi liên quan đến tham nhũng, tăng 70% số vụ việc, 45% số người so với năm 2016.
Xử lý 20 người đứng đầu bị kết luận là thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng, trong đó 2 người đã bị xử lý hình sự; 14 người bị xử lý kỷ luật hành chính bằng các hình thức như: Cảnh cáo, khiển trách, các trường hợp còn lại đang trong quá trình xử lý.
Hà Nội giảm 13,8% đơn thư khiếu nại vượt cấp
Tham luận về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo (KNTC) tại Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng cho biết, công tác này của TP bước đầu đã có chuyển biến rõ rệt. Các cơ quan hành chính của TP đã tiếp 41,4 nghìn lượt công dân tăng 27% so với năm 2016; tiếp 502 lượt đoàn đông người đến KNTC tăng 17% so với năm 2016; lãnh đạo các cơ quan hành chính của TP đã tiếp định kỳ và đột xuất hơn 13.000 lượt công dân, trong đó lãnh đạo UBND TP tiếp 415 lượt công dân.
Công dân được tiếp, hướng dẫn, giải thích, xử lý đơn thư theo đúng quy định pháp luật nên đã giảm khiếu kiện vượt cấp lên các cơ quan T.Ư. Số lượng công dân của TP Hà Nội đến Ban Tiếp công dân T.Ư để khiếu kiện giảm 43,9% số lượt và 51,2% số người so với năm 2016. Các cơ quan T.Ư chuyển 552 đơn vượt cấp của công dân Hà Nội, giảm 13,8% so với năm 2016. Công tác hòa giải tại cơ sở cũng đã được các cấp chính quyền TP quan tâm, thực hiện.
|
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung chủ trì tại điểm cầu Hà Nội. |
Qua theo dõi cho thấy, KNTC liên quan đến lĩnh vực đất đai, nhà ở chiếm trên 70% tổng số các vụ; những vụ KNTC đông người, phức tạp chủ yếu cũng liên quan đến lĩnh vực nhà, đất. Vì vậy, cùng với việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về KNTC, TP Hà Nội đề nghị Chính phủ, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên môi trường quan tâm, tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp pháp luật về lĩnh vực nhà, đất.
Khắc phục tình trạng chậm ban hành kết luận thanh tra
Đánh giá cao những chuyển biến tích cực của ngành Thanh tra trong năm 2017, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho rằng, qua thanh tra, ngành Thanh tra đã phát hiện, xử lý nhiều vi phạm pháp luật, kiến nghị chấn chỉnh, khắc phục những bất cập, sơ hở trong quản lý, chỉ đạo, điều hành và trong việc ban hành chính sách, pháp luật. Công tác tiếp công dân đã từng bước gắn với giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhiều vụ việc được giải quyết dứt điểm ngay tại cơ sở. Ý thức, trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước trong chỉ đạo, điều hành, xem xét, giải quyết khiếu nại, tố cáo nhất là các vụ việc phức tạp, đông người được nâng lên…cuộc thanh tra còn hạn chế, việc xử lý vi phạm còn chưa triệt để, tỷ lệ giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền đạt thấp hơn so với mục tiêu đề ra, việc giải quyết khiếu nại của các bộ, ngành, địa phương còn để kéo dài, nhiều vụ việc xử lý chưa đúng chưa trúng, chưa thấu tình đạt lý; việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng chưa quyết liệt; chưa có biện pháp thu hồi triệt để các tài sản tham nhũng; một số văn bản phục vụ công tác PCTN còn chậm ban hành.
|
Toàn cảnh Hội nghị. |
Để triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ công tác năm 2018 của Thanh tra Chính phủ, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đề nghị, Chính phủ tập trung cao cho công tác xây dựng thể chế, đảm bảo đúng tiến độ. Đồng thời, kịp thời kiến nghị sửa đổi, bổ sung các văn bản để bước đầu khắc phục các kẽ hở trong văn bản pháp luật. Phối hợp tốt với các cơ quan truyền thông tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến chính sách pháp luật cho người dân.
Bên cạnh đó, triển khai thực hiện tốt công tác thanh tra để phát hiện những yếu kém trong công tác quản lý, kịp thời xử lý các vi phạm pháp luật. Đặc biệt, cần tập trung khắc phục tình trạng chậm ban hành kết luận thanh tra.
Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo; gắn đối thoại với người dân cùng xử lý kịp thời các khiếu kiện, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của Nhân dân, tránh tình trạng phát sinh, tụ tập đông người.
“Các bộ, ngành phát huy vai trò của người đứng đầu, làm tốt công tác tiếp công dân. Trách nhiệm của người đứng đầu các bộ ngành địa phương phải phát huy đầy đủ, nếu không làm tốt thì phải có biện pháp xử lý”, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh.
Cùng với đó, cần xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ việc tham nhũng. Hướng dẫn các bộ ngành địa phương về PCTN. Tăng cường quản lý nhà nước và hoàn thiện thể chế nhằm tạo cơ sở pháp lý cho ngành thanh tra hoạt động hiệu quả. Tăng cường phối hợp trong ngành và các ngành liên quan tạo sự thống nhất trong các biện pháp xử lý.
Ngoài ra, tăng cường công tác kiểm tra nội bộ, nâng cao trách nhiệm, đạo đức cán bộ thanh tra để xây dựng ngành thanh tra trong sạch vững mạnh.