Thuê giữ chức vụ để ký hồ sơ
Tại tòa, bị cáo Lâm Kim Dũng (SN 1955, nguyên Giám đốc Công ty TNHH Địa ốc Lam Giang) cho biết, là người ký hợp đồng với Công ty TNHH MTV Quản lý nợ và khai thác tài sản Trustbank (TrustAsset) để thẩm định giá BĐS số 5 Phạm Ngọc Thạch. Tuy nhiên, tất cả nội dung trong chứng thư bị cáo hoàn toàn không biết gì vì công ty địa ốc của bị cáo Hứa Thị Phấn. “Tôi chỉ là người được thuê làm giám đốc với lương 10,5 triệu đồng/tháng. Việc mua bán BĐS ra sao tôi cũng không biết, vì tất cả hồ sơ đều do bị cáo Bùi Thị Kim Loan đưa thì tôi ký”, bị cáo Dũng nói.
|
Các bị cáo tại tòa. |
Tương tự, việc ký vào biên bản mua BĐS nêu trên, nhưng không biết vì sao có giá 1.268 tỷ đồng là trường hợp bị cáo Nguyễn Vĩnh Mậu (SN 1943, nguyên Phó Chủ tịch HĐQT Trustbank). Bị cáo Mậu khai: “Nhiệm vụ của tôi ở Trustbank Long An là quan hệ ngoại giao với chính quyền và làm công tác xã hội là chính. Tôi không trực tiếp quản lý, không điều hành các hoạt động của Trustbank. Trong việc mua BĐS, tôi không dự họp. Khi biên bản được chuyển xuống Long An, tôi thấy đầy đủ thủ tục, các thành viên HĐQT nhất trí mua nên tôi ký vào biên bản để hoàn tất thủ tục. Tôi không biết giá BĐS tại TP Hồ Chí Minh nên tôi tin vào chứng thư của TrustAsset. Việc không thông qua Đại hội cổ đông Trustbank, do tôi nghĩ bà Phấn chiếm 85% cổ phần nên có đại hội cũng là hình thức. Tài sản của gia đình tôi đưa vào Trustbank không những đã mất hết, mà nay về cuối đời quyền lợi chính trị cũng mất luôn. Tôi rất đau lòng vì trong lý lịch các con, cháu bị vết đen”.
Bị cáo Hoàng Văn Toàn khai vào năm 2008, trong lúc thất nghiệp thì được bạn bè giới thiệu với bị cáo Hứa Thị Phấn rồi được cho giữ chức Chủ tịch HĐQT Trustbank. Còn bị cáo Trần Sơn Nam được bị cáo Phấn giới thiệu và cho giữ chức Tổng Giám đốc Trustbank, nhưng chỉ trên danh nghĩa, mọi hoạt động của ngân hàng đều do bị cáo Phấn quyết định.
Trustbank đã bị phạt về vụ mua BĐS
Các luật sư cũng hỏi đại diện các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan đến BĐS nêu trên. Đại diện của Hội đồng định giá (HĐĐG) TTHS TP Hồ Chí Minh cho rằng việc lập HĐĐG là theo đề nghị của Cơ quan CSĐT Bộ Công an. HĐĐG gồm Sở Tài chính, Sở Xây dựng và Sở TN-MT. “Đối với việc không mời chủ BĐS là Trustbank (sau là VNCB, nay là CBbank) cũng không nằm trong quy định. Nếu có đầy đủ thành viên HĐĐG là hợp lệ, khi định giá (thời điểm năm 2015), HĐĐG có văn bản gửi Cơ quan CSĐT thuê thêm 1 đơn vị định giá độc lập để khách quan. Đơn vị đó đã thực tế hiện trường, HĐĐG căn cứ vào thực tế của đơn vị này rồi căn cứ vào các tiêu chí để ra kết luận. Nếu phải định giá lại thì sẽ có HĐĐG cấp trên”, đại diện HĐĐG TP Hồ Chí Minh khẳng định.
Còn ông Lê Hồng Vân - Phó Trưởng phòng Thanh tra Cục Thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, thời điểm đầu năm 2012, NHNN có thanh tra các ngân hàng TMCP và thanh tra Trustbank vào tháng 2/2012. Lúc đó, thanh tra 9 vấn đề, sau đó đã ra quyết định xử phạt hành chính 150 triệu đồng trong vụ mua bán BĐS số 5 Phạm Ngọc Thạch vì việc mua vượt 69,85% vốn điều lệ ngân hàng là vi phạm pháp luật. Về việc tại sao không không chuyển Cơ quan điều tra từ lúc đó, NHNN sẽ trả lời cho HĐXX bằng văn bản. Vì năm 2011, NHNN đã gửi công văn cho Trustbank và NHNN tỉnh Long An với rất nhiều nội dung, trong đó có yêu cầu tăng vốn nhưng Trustbank sau đó vẫn không thực hiện.