Đặt niềm tin nhầm chỗ!
Ai vi phạm hợp đồng nhận thuê khoán vườn ươm là vấn đề tranh luận tại phiên toà phúc thẩm xét xử vụ kiện của nguyên đơn Trần Hữu Sỹ (79 tuổi, ngụ tại Ấp 2, xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai) với bị đơn là Khu bảo tồn – thiên nhiên văn hoá Đồng Nai trong vụ kiện kéo dài 20 năm.
Trả lời các câu hỏi phía nguyên đơn đưa ra, đại diện bị đơn là ông Võ Toàn Phong cho rằng: Việc chấm dứt “hợp đồng thuê khoán vườn ươm” vào tháng 6 năm 2000 là đúng quy định của pháp luật, như điều khoản của hợp đồng ký kết 5 năm ngồi lại ký hợp đồng một lần. Theo cái lý của bị đơn, biên bản làm việc ngày 10/2/1998 là thông báo trước cho ông Sỹ không được thả cá; chứ không cấm ông đánh bắt; cho nên thiệt hại liên quan đến việc cải tạo hồ, thả cá là do lão nông Trần Hữu Sỹ tự gây ra. Cũng theo phía bị đơn, việc ông Sỹ chậm nộp 25 triệu tiền thuê hồ là đã vi phạm hợp đồng.
Ông Trần Hữu Sỹ cho biết đã quá mệt mỏi vì vụ án kéo quá dài.
Nêu quan điểm tại phiên toà, lão nông Trần Hữu Sỹ cho biết, tháng 10/1997, ông bắt đầu thả cá. Đến tháng 2/1998, thì Lâm trường Mã Đà (nay là Khu bảo tồn – thiên nhiên văn hoá Đồng Nai) mời ông ra làm việc; yêu cầu thu hoạch cá và không cho thả nữa, bởi “ông thả thêm nữa, lâm trường không có tiền trả cho ông đâu”.
Theo ông Sỹ, thời điểm đó không thể thu hoạch, vì cá mới thả nuôi được 4 tháng; để khai thác cá trong hồ rộng 27ha thì lâm trường phải có văn bản cho phép tát cạn 1 triệu m2 nước, bởi ông không thể tự ý tát hồ vì nước còn để lâm trường sử dụng phòng chống cháy rừng. Việc không thu hoạch cá, theo ông Sỹ còn là để khẳng định hợp đồng thanh lý không có giá trị. Việc chưa nộp đủ tiền thuê hồ, ông Sỹ cho rằng là không vi phạm hợp đồng, bởi chậm nộp bao lâu, ông phải chịu lãi bấy nhiêu theo như thoả thuận giữa hai bên.
Nói về việc ký hợp đồng thuê khoán với Lâm trường Mã Đà, lão nông 79 tuổi cho biết, ông rất tin tưởng vì đây là đơn vị của Nhà nước quản lý. Việc ông cải tạo hồ, thả cá, lâm trường đều biết. Tuy nhiên, hợp đồng hai bên ký chưa ráo mực, mới 2 năm 9 tháng, lâm trường đã tính chuyện tăng tiền thuê từ 5 triệu lên 6 triệu đồng trong khi thoả thuận hợp đồng là sau 5 năm, hai bên sẽ bàn bạc, xem xét lại. Như vậy, rõ ràng là lâm trường đã đơn phương vi phạm hợp đồng.
Cũng liên quan đến hợp đồng thuê khoán vườn ươm, Luật sư Phạm Văn Thọ - Đoàn luật sư TPHCM, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông Trần Hữu Sỹ cho rằng, chủ thể hợp đồng là ông Trần Hữu Sỹ, nhưng khi thanh lý hợp đồng vào tháng 6/2000, lại là bà Trần Thị Điểm – vợ ông Sỹ, một người không biết chữ, không biết đọc và không phải là đại diện được ông Sỹ uỷ quyền. Theo luật sư, hiện hợp đồng giữa hai bên đến thời điểm này vẫn còn nguyên giá trị.
Đang xem xét một nửa sự thật?
Tại phiên toà, các luật sư đề nghị HĐXX triệu tập Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, bởi trong công văn số 126 ngày 13/9/2000, thì việc dừng hợp đồng với ông Trần Hữu Sỹ là theo chỉ đạo của giám đốc Sở. Vậy cho nên cần đại diện của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có mặt để làm rõ lỗi vi phạm hợp đồng là do ai. Luật sư đồng thời đề nghị toà triệu tập kỹ sư Trần Lương- người bán cá, trực tiếp thả cá và hướng dẫn ông Sỹ nuôi cá. Đây là những nhân tố quan trọng để làm rõ “một nửa sự thật” mà gần 20 năm nay chưa được giải đáp; chưa được các cấp toà trước đây triệu tập đến để tham gia thẩm vấn.
Vợ chồng ông Trần Hữu Sỹ và Trần Thị Điểm tại phiên toà phúc thẩm hôm nay
Tuy nhiên, ý kiến của luật sư không được HĐXX chấp nhận, bởi chủ quản hiện nay của Khu bảo tồn – thiên nhiên văn hoá Đồng Nai là UBND tỉnh Đồng Nai nên không cần thiết phải triệu tập Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Còn trường hợp của kỹ sư Trần Lương, toà cho rằng, sẽ triệu tập khi cần thiết (!).
Vấn đề liên quan đến vụ kiện là định giá cá. Trước khi phiên toà diễn ra, HĐXX đã có công văn đề nghị Sở Tài chính tỉnh Đồng Nai cung cấp giá tiền các loại cá thời điểm năm 2000. Tuy nhiên, văn bản trả lời của Sở Tài chính cho biết: Giá tiền các loại cá mà toà án yêu cầu không nằm trong danh mục mà Sở Tài chính quản lý giá. Vì vậy, Sở không có tài liệu cung cấp cho toà. Đây cũng là vấn đề được các luật sư đặt ra, bởi nếu Sở Tài chính không quản lý giá thì cần phải có “thước đo” khác đối với giá tiền các loại cá ở thời điểm năm 2000. Vấn đề này, HĐXX khẳng định: Đã thu thập đủ bằng chứng biểu giá cá tại thời điểm trên thì mới thực hiện mở phiên toà.
Nêu quan điểm giải quyết vụ án, đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân Đồng Nai cho rằng: Các thiệt hại đưa ra của nguyên đơn là ông Trần Hữu Sỹ là không có hồ sơ chứng từ, việc mua cá thả nuôi cá không có hoá đơn nên không có cơ sở xem xét. VKS đề nghị HĐXX giữ nguyên bản án sơ thẩm, với mức bồi hoàn cho ông Trần Hữu Sỹ là hơn 1,23 tỷ đồng.
Như vậy là, quan điểm của VKS tỉnh Đồng Nai đưa ra trái với quyết định kháng nghị của Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao vào ngày 17/9/2010, đó là: Chưa tính đến chi phí dòn chà, gốc cây, lấp hố bom, san phẳng 27ha lòng hồ; chi phí và thiệt hại thực tế của ông Sỹ khi thả 3 triệu con cá chép bột và 650kg cá thịt từ năm 1997 đến năm 2000 chưa được thu hoạch. Kháng nghị của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao được Hội đồng giám đốc thẩm Toà dân sự, Toà án Nhân dân Tối cao chấp nhận.
Cho rằng, đây là vụ án có tính chất phức tạp nên Toà án nhân dân Đồng Nai quyết định nghị án kéo dài, và sẽ tuyên án vào sáng 28/9 tới./.