Người tiêu dùng lựa chọn nước mắm sử dụng tại siêu thị |
Vụ vệc gây hậu quả rất nghiêm trọng, xuất phát từ khảo sát và thông tin từ Vinastas đưa ra đã khiến nhiều cơ quan báo chí đưa tin nước mắm "nhiễm asen”, vô tình tiếp tay làm hại nước mắm truyền thống.
Bộ Thông tin Truyền thông, Bộ Công thương, Ban Tuyên giáo, Bộ Công an đã phải vào cuộc ngay lập tức. 50 cơ quan báo chí đã bị phạt, nhiều nhà báo bị kỷ luật, cách chức. Tổng số tiền phạt lên tới cả tỷ đồng. Rõ ràng vụ việc là nghiêm trọng và biện pháp xử phạt là nghiêm khắc.
Nhưng cho đến nay, vẫn chưa ai làm rõ động cơ tại sao Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) thực hiện cuộc khảo sát tai hại này và công bố các thông tin lập lờ, sai sự thật.
Và 7 tháng sau, Bộ Công Thương mới có thông báo về việc xử phạt vi phạm đối với Vinastas với số tiền phạt 15 triệu đồng cho hành vi vi phạm hành chính phát hành tài liệu, ấn phẩm thông tin, giáo dục, truyền thông về an toàn thực phẩm không chính xác, không đúng sự thật và gây ảnh hưởng xấu về dư luận xã hội.
Từ thông tin cung cấp trong buổi họp báo của Vinastas, các báo dù chỉ tham gia họp báo và đưa tin, cũng bị xử phạt. Việc đưa tin thiếu kiểm chứng, dù của một cơ quan chính thức, đưa tin sai sự thật thì phải chịu trách nhiệm, không thể đổ lỗi cho bất kỳ lý do gì.
Buổi họp báo Vinastas công bố kết quả khảo sát nước mắm |
Nhưng báo chí chỉ đến tham dự và đưa thông tin do Vinastas công bố xử phạt rất nghiêm, còn Vinastas là đơn vị khảo sát, tổ chức họp báo, cung cấp thông tin lại chỉ bị phạt ở mức rất thấp. Tại sao?
Nhận định và xử lý về Vinastas như vậy mới chỉ dừng ở hành vi phát hành tài liệu, ấn phẩm thông tin, truyền thông về an toàn thực phẩm không chính xác, nhưng chưa đánh giá đầy đủ và đúng mức độ ảnh hưởng đối với thị trường và người tiêu dùng, thậm chí phương hại lợi đến lợi ích quốc gia. Động cơ hành động này cũng là điều cần được làm rõ.
Với mức phạt này có thể sẽ khiến dư luận cho rằng Vinastas vô can trong vụ việc nghiêm trọng này và các sai phạm chỉ là rất nhỏ. Nếu nương nhẹ và không rõ ràng trước những vụ “truyền thông bất lương” có dấu hiệu câu kết cạnh tranh không lành mạnh, làm méo mó thị trường, thì sẽ không ngăn chặn được các vụ tương tự. Chưa kể việc này gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của các tờ báo, phóng viên và làm sứt mẻ niềm tin của người tiêu dùng.
Ngày 14/11/2016, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xử phạt vi phạm hành chính các cơ quan báo chí vi phạm với các mức phạt nghiêm khắc, tính riêng về mức phạt tiền: Báo Thanh Niên: 200 triệu đồng; Báo điện tử Người tiêu dùng: 50 triệu đồng; 06 báo điện tử là Hà Nội mới, Đại đoàn kết, Người đưa tin, Dân Việt, Dân sinh, Infonet mỗi báo 45 triệu đồng; Tạp chí điện tử Thực phẩm chức năng: 40 triệu đồng. Ngoài ra 41 cơ quan báo chí khác bị phạt từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng. |