Sau thời gian nghị án, ngày 28/9 TAND tỉnh Đồng Nai đã tuyên bác một phần kháng cáo của ông Trần Hữu Sỹ (SN 1941, ngụ xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu) nguyên đơn trong vụ kiện tranh chấp “Hợp đồng nhận thuê khoán vườn ươm” với bị đơn là Khu bảo tổn TN-VH Đồng Nai. Theo đó, HĐXX tuyên Khu bảo tổn chỉ phải trả cho ông Sỹ số tiền hơn 1,23 tỷ đồng.
HĐXX phiên phúc thẩm cho rằng ông Sỹ cải tạo, đầu tư vào hồ làm tăng giá trị cho hồ nhưng chưa được bên cho thuê lúc đó là Lâm trường Mã Đà (nay là Khu bảo tổn TN-VH Đồng Nai) thanh toán lại nên yêu cầu của ông Sỹ về nội dung này là có căn cứ.
Ông Trần Hữu Sỹ tại phiên tòa phúc thẩm TAND tỉnh Đồng Nai - Ảnh: CTV.
Đối với hợp đồng nhận thuê khoán vườn ươm, giữa Lâm trường Mã Đà với ông Sỹ có sự bàn bạc vào tháng 2/1998, nhưng không thống nhất giá thuê. Sau đó ông Sỹ không phản đối, nên việc chấm dứt hợp đồng vào tháng 6/2000 không phải lỗi của lâm trường. Tại phiên tòa phúc thẩm, ngoài việc vợ chồng ông Sỹ đồng ý với mức bồi thường hơn 1,23 tỷ đồng là giá trị tài sản đã đầu tư, cải tạo hồ. Còn có yêu cầu phía bị đơn phải trả thêm tiền lãi chậm thanh toán, trong khi mức bồi thường nêu trên được thẩm định giá theo thời điểm năm 2015, do đó ông Sỹ yêu cầu tính lãi chậm trả từ năm 2000 đối với khoản tiền trên là không có cơ sở.
Như Chuyên trang Tieudung.vn đã phản ánh, năm 1992 ông Trần Hữu Sỹ ký hợp đồng với Trung tâm Du lịch thuộc Lâm trường Mã Đà thuê hồ vườn ươm 27ha để thả cá, thời hạn hợp đồng 20 năm, tiền thuê 5 triệu đồng/năm. Hợp đồng quy định không bên nào được đơn phương tự ý hủy bỏ hợp đồng, nếu bên nào vi phạm thì phải chịu trách nhiệm trước trọng tài kinh tế. Trong qúa trình thực hiện hợp đồng nếu có thay đổi về quy hoạch, chủ trương thì hai bên cùng bàn bạc giải quyết. Ký hợp đồng xong, ông Sỹ thuê người cải tạo hồ thành hồ nuôi trồng thủy sản, và trả tiền thuê hàng năm đầy đủ.
Đến ngày 11/5/1995, Trung tâm Du lịch giải thể. Lâm trường Mã Đà (nay là Khu bảo tồn TN-VH Đồng Nai) đơn vị trực tiếp quản lý hồ nên đã tiếp tục ký hợp đồng với ông Sỹ (nội dung như hợp đồng năm 1992). Từ năm 1995 - 1997, ông Sỹ tiếp tục đầu tư xây dựng ngăn bờ đập, nạo vét lòng hồ, dọn chà, xây dựng lán trại, đầu tư đường dẫn nước, thả 3 triệu con cá chép bột, cá rô phi, cá trắm, cá mè...
Trong khi ông Sỹ đã đầu tư khá nhiều tiền vào hồ vườn ươm, bất ngờ vào năm 1998, Lâm trường yêu cầu ông Sỹ phải thu hoạch cá, nhưng không cho tát nước và không cho ông Sỹ tiếp tục thả cá để thanh lý hợp đồng. Tháng 6/2000, Lâm trường đơn phương thanh lý hợp đồng với ông Sỹ để cho đơn vị khác tiếp tục thuê với giá 75 triệu đồng/năm. Sau đó, Lâm trường không cho khai thác cá, không hoàn trả chi phí gia đình ông Sỹ đã đầu tư và giao hồ cho đơn vị thuê sau khai thác, sử dụng nên vợ chồng ông Sỹ khởi kiện Lâm trường ra TAND huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai) với yêu cầu bị đơn phải bồi thường cho ông số tiền hơn 1,273 tỷ đồng chưa tính lãi suất.
Sau nhiều phiên xét xử sơ thẩm, phúc thẩm do tòa án 2 cấp ở tỉnh Đồng Nai thực hiện. Cuối năm 2010, TAND Tối cao ra quyết định Giám đốc thẩm hủy cả hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm ở Đồng Nai. Giao cho TAND huyện Vĩnh Cửu xử lại. Theo TAND Tối cao, việc ông Sỹ bỏ hàng tỷ đồng để đầu tư cải tạo 27ha lòng hồ, nuôi cá là có thật.
Phải mất 9 năm, sau nhiều lần trì hoãn, vào ngày 3/10/2019 TAND huyện Vĩnh Cửu mới đưa vụ án ra xử lại (sơ thẩm lần 3) và HĐXX tuyên bằng bản án số 05/2019/DS-ST buộc Khu bảo tồn TN-VH Đồng Nai bồi thường cho ông Sỹ 1,231 tỷ đồng. Trong khi ông Sỹ yêu cầu ngoài số tiền này, phía Khu bảo tổn còn phải trả cho ông tiền thả 3 triệu con cá chép bột, 650kg cá giống các loại vào thời điểm năm 2000 chưa được thu hoạch là 34 tỷ đồng. Khoản tiền lãi tiền đầu tư cơ sở hạ tầng và tiền cá trị giá là 65 tỷ đồng, tổng cộng các khoản hơn 100,231 tỷ đồng.