Liên quan đến vụ án VN Pharma nhập thuốc giả H–Capita 500mg Caplet để chữa ung thư, 9 bị cáo trong vụ án đã bị TAND TP Hồ Chí Minh tuyên án về tội danh “buôn lậu” và “làm giả con dấu tài liệu của cơ quan tổ chức”. Tuy nhiên dư luận, đặc biệt là các chuyên gia về luật cho rằng buộc tội “buôn lậu” là không đúng.
Cần thay đổi tội danh
Luật sư Dương Vĩnh Tuyến thuộc Đoàn luật sư tỉnh Bình Phước phân tích: Theo điều 153 Bộ luật hình sự (BLHS) năm 1999, thì tội “buôn lậu” có hành vi khách quan là buôn bán trái phép qua biên giới. Theo điều 188 BLHS số 100/2015/QH13 được sửa đổi, bổ sung bởi Bộ luật số 12/2017/QH14, thì tội “buôn lậu” có hành vi khách quan là buôn bán qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại, trái quy định của pháp luật. Cả 2 điều luật trên đều chung 1 điểm đó là hành vi buôn bán trái phép qua biên giới. Để cấu thành tội “buôn lậu”, bắt buộc phải có hành vi buôn bán trái phép qua biên giới (hoặc buôn bán qua biên giới trái quy định của pháp luật). Nếu không có yếu tố trái phép hoặc trái quy định của pháp luật thì hành vi buôn bán qua biên giới không cấu thành tội “buôn lậu”.
Các bị cáo trong vụ VN Pharma nhập thuốc giả để chữa ung thư. |
Cũng theo luật sư Tuyến, trong vụ án VN Pharma nhập khẩu thuốc H-Capita 500mg Caplet điều trị ung thư, bị phát hiện là thuốc giả, nhưng những người liên quan bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử về tội “buôn lậu” là không đúng pháp luật. “Bởi lẽ họ nhập khẩu (mua bán) qua biên giới hợp pháp, nhưng hàng họ mua là giả. BLHS có tội danh sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh… theo khoản 4 điều 194 BLHS số 100, được sửa đổi bổ sung bởi BLHS số 12/2017 thì mức hình phạt cao nhất là tử hình. Vụ này phải xử tội “buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh” - luật sư Tuyến khẳng định.
Còn theo nhận định của ông Trần Hùng - Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389), ngay từ khi kinh doanh loại thuốc này, VN Pharma đã có ý định lừa đảo. Cụ thể lấy tên một công ty không có thật tại Canada, cố tình giả mạo nguồn gốc xuất xứ hàng hoá. Thậm chí giả cả tên của nguyên Tham tán Đại sứ Việt Nam tại Canada.
Tội ác phải bị trừng trị
Ông Trần Hùng đặt nghi vấn vì sao tổ thẩm định có 10 chuyên gia giỏi, chia 2 tổ kiểm tra, nhưng không phát hiện lô thuốc H-Capita 500mg Caplet do VN Pharma nhập về Việt Nam là hàng giả. “Chỉ cần kiểm tra theo cách đơn giản nhất là mã vạch, đã xác định được ở đâu ngay. Tân dược mà không có mã vạch xuất xứ nguồn gốc, thì người bệnh không mua, cần gì phải đến 10 chuyên gia toàn giáo sư, tiến sĩ? "Tôi khẳng định lô thuốc đó là giả. Vì vậy, vụ này cơ quan tố tụng cần xử đúng tội danh “buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh” chứ không thể cho đó là “buôn lậu”" - ông Hùng nhận định.
Cũng theo ông Hùng, việc sản xuất kinh doanh tân dược giả, hay dược liệu, mỹ phẩm giả… chính là trực tiếp hoặc gián tiếp giết người. Đây là tội ác phải bị trừng phạt. “Chỉ khi chúng ta xác định đó là tội ác, lúc đó sẽ có biện pháp cụ thể để hành động quyết liệt trong công tác đấu tranh, phòng chống nạn sản xuất buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã nói rất rõ là “không có vùng cấm”. Khi phát hiện sai phạm phải công khai và không cho chạy án. Những việc xử lý kiên quyết, công khai hiện nay đã và đang lấy lại rất nhiều niềm tin của Nhân dân vào Đảng và Chính phủ” - ông Hùng thẳng thắn.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), thuốc giả chiếm ít nhất 10% trên thị trường tân dược thế giới, mỗi năm có khoảng 1 - 1,2 triệu người chết vì uống thuốc giả. Cuối tháng 12/2015, Interpol phối hợp với cảnh sát 13 quốc gia ở châu Á triệt phá được đường dây bán tân dược giả trị giá tới 7 triệu Euro, bắt giữ 87 đối tượng. Ở Trung Quốc, tháng 5/2007, nguyên Cục trưởng Quản lý thực phẩm và dược phẩm bị tuyên án tử hình vì nhận hối lộ để cấp phép cho nhiều loại thuốc không đạt tiêu chuẩn, trong đó có 1 loại kháng sinh khiến 10 người chết. Còn tại Indonesia, cuối năm 2016 tòa án đưa ra xét xử 19 bị cáo trong vụ làm vaccine giả. |