Thứ 6, 22/11/2024, 12:04 PM
Bạn đọc đăng tin
Hotline: 0918658465

Vô định giữa cuộc đời: Vì đâu nên nỗi?

Vô định giữa cuộc đời: Vì đâu nên nỗi?
(Tieudung.vn) - Xâm nhập mặn, hạn hán - sự tàn nhẫn của thiên nhiên gieo lên mình người dân sông nước, khiến cho bao cánh đồng khô cháy, bao con người lang thang. Cơ hồ những chuyến đi “tha phương cầu thực” không nắm chắc tương lai lại bắt đầu ở những người nông dân chân chất.

 

Đồng ruộng nứt toác, nước nhiễm mặn ở miền tây
Đồng ruộng nứt toác, nước nhiễm mặn ở miền tây.

Mặc dù phía Trung Quốc đã xả nước ở thượng nguồn sông Mê Kông nhưng về được tới Việt Nam thì lượng nước chẳng còn lại được bao nhiêu. Thậm chí những địa phương như Sóc Trăng, Cà Mau đất đai, đồng ruộng vẫn khô cháy vì không có nổi một giọt nước. Có những nơi đất bị sụt lún do tình trạng khô hạn kéo dài. Chưa bao giờ người ta lại thấy nước mắt của người dân vùng ĐBSCL mặn chát như bây giờ.

Từng được xem là vựa lúa lớn nhất của cả nước, cả năm người nông dân nơi đây trông chờ ở mấy công lúa, nhưng đến vụ thu hoạch thì cánh đồng chỉ như một vùng cỏ cháy. Hoa màu, cây ăn trái là “chén cơm” thứ hai của người dân cũng bị thiên nhiên vô tình cướp mất. Dù xét cho cùng, nguyên nhân dẫn tới những diễn biến khắc nghiệt của thiên nhiên, môi trường một phần cũng bởi bàn tay con người mà ra cả.

Nước bị nhiễm mặn nặng nề khiến cuộc sống của người dân cũng bị xáo trộn nghiêm trọng. Nấu cơm, nước ngả sang màu vàng, còn pha trà nước chuyển thành màu đen. Nước ngọt ở miền Tây mùa này quý hơn vàng. Để có được một khối nước ngọt, người dân phải bỏ ra 100 ngàn đồng, sau đó lại phải tốn thêm 100 ngàn nữa để thuê xe ba gác chở về.

Bởi cơn hạn mặn hoành hành, đất sản xuất không thể trồng trọt, nhiều tháng qua, cả trăm thanh niên độ tuổi lao động ở ấp Hội Trung, thị trấn Lịch Hội Thượng, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng ùn ùn bỏ quê lên TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai... tìm việc. Xóm nghèo giờ chỉ còn lại người già và trẻ con.

Xóm làng hiu hắt                                              

Dọc hai ven đường xã Long Phú (huyện Long Phú, Sóc Trăng), chỗ nào cũng thấy nhiều căn nhà khóa trái cửa im ắng, lu nước cạn trơ đáy, cuốc xẻng chỏng chơ chứng tỏ đã lâu lắm không có bóng dáng chủ nhà.

Ông Trần Văn Son, phó chủ tịch UBND xã, chỉ: đây là nhà ông Trần Văn Bảy, ấp Bưng Long, đi Bình Dương từ hồi trước tết; đây là nhà ông Trương Công Hải, đi theo sà lan vận chuyển vật liệu xây dựng; còn đây là nhà bà Thương, cô Cảnh, anh Châu ở ấp Nước Mặn... ai nấy cũng bỏ xứ mà đi cả năm nay, chưa thấy ai trở về dù một lần.

Ông nói: “Hơn 6.000 người dân ở xã này đi Sài Gòn, Đồng Nai, Bình Dương để làm công nhân, phụ hồ, giúp việc, đủ thứ nghề... Con số nắm được là vậy chớ thiệt ra còn lớn hơn nhiều”.

Đi một đoạn khá xa, ông Son vui hẳn lên khi thấy bên căn nhà lá thấp lè tè có một nhóm phụ nữ đang rôm rả trò chuyện.

“Lâu lắm rồi tui mới thấy cảnh vui vẻ này nè” - ông Son nói. Hỏi ra, mấy chị em này vừa ở xa trở về thăm nhà trong kỳ nghỉ lễ. Chị Thạch Thị Sa Vết (40 tuổi) ở ấp Kinh Ngang, xã Long Phú, ôm đứa con gái nhỏ vào lòng hôn lấy hôn để: “Năm nay làm ăn thất bát quá nên vợ chồng tui đành phải đi Đồng Nai làm mướn, cũng bấm bụng dữ lắm mới để tụi nhỏ lại cho ông bà nội giữ đó chớ”.

Anh chị Sa Vết đi làm đã hơn 6 tháng nay, anh thì bốc vác ở một xưởng gỗ, chị thì giúp việc cho hai gia đình cùng lúc. Mỗi tháng trừ chi phí ở trọ, ăn uống, anh chị gửi về quê 2 triệu đồng để ông bà lo cho mấy đứa nhỏ.

Trong căn nhà vách lá xiêu vẹo giữa những cánh đồng lúa cháy khô gốc, tưởng chừng chỉ một cơn gió thốc nhẹ cũng đủ làm ngã đổ, bà Thạch Thị Út đang chăm chồng là ông Sơn Hên (76 tuổi) vừa mới nằm viện về.

Hơn một năm nay, bà vừa chăm chồng vừa trông sáu đứa cháu nhỏ lít nhít của năm người con bà để lại, người đi Bình Dương, người đi Đồng Nai kiếm kế sinh nhai. “Ở đây đâu có gì đâu mà sống, không ruộng đất, không ai thuê mướn, chẳng thà tụi nó lên đó đi làm thợ hồ cũng có tiền gửi về đủ cho mấy đứa cháu đi học”.

Bữa cơm trưa dọn ra chỉ tô canh rau dền và vài miếng da heo kho quẹt. “Mấy đứa con tui gửi tiền về bao nhiêu thì vợ chồng tui để dành cho tụi nhỏ đi học trước, ăn uống tính sau, ráng cho tụi nó học tới đâu thì ráng” - ông Hên nằm trên võng cho biết thêm.

Cơn lốc rời làng quê

Ông Kim Hiền, bí thư chi bộ ấp Kinh Ngang, cho biết trong ấp trước kia có hơn 100 hộ dân, nhưng nay đã có 72 hộ đi làm ăn xa, trong đó 45 hộ là cả gia đình vợ chồng con cái đều đi hết. “Ngay cả bản thân tui cũng muốn đi vì ở đây đâu làm gì có cái ăn, cá không có, lúa thì mất trắng, làm thuê thì càng không có chuyện để làm” - ông Hiền tặc lưỡi.

Cạnh nhà ông Hiền, liền một mạch có năm bảy căn nhà cũng vắng tanh, cây khô vương vãi, vách xiêu mái mục. Cạnh bên, ông Nguyễn Văn Kỵ, 78 tuổi, cũng nói vô: “Như tui già cả quá rồi đâu ai thuê mướn gì được, chứ thanh niên trong xóm này đi hết rồi, vắng dữ lắm. Thấy mấy công ruộng chết vàng gốc hết mà thúi ruột, chỉ trông chờ mấy đồng lương phụ hồ của con tui gửi về thôi”.

Ông Đặng Thanh Quang, phó chủ tịch UBND huyện Trần Đề, cho biết hầu hết thanh niên trai tráng trong vùng đều đi hết, tình trạng này diễn ra nhiều năm nhưng năm nay nhiều nhất. “Giờ người dân còn ở huyện đa số là phụ nữ, trẻ em, đàn ông lớn tuổi không còn khả năng lao động.

Huyện đã cố gắng làm hết sức để hỗ trợ người dân duy trì cuộc sống tối thiểu. Nhà nước đưa xuống cái gì thì chia cho dân cái đó. Hiện tại huyện cũng chờ chính sách mới để giúp dân trong vụ mùa tới chứ chưa có gì cải thiện tốt hơn tình hình hiện nay” - ông Quang nói.

Cũng theo ông Quang, đợt hạn mặn vừa qua toàn huyện đã thiệt hại hơn 3.000ha lúa, trong đó hơn 2.000ha mất trắng. Từ đầu năm đến nay đã có 3.955 lao động đi TP.HCM và các tỉnh khác làm ăn.

Còn ông Trần Văn Son nói thêm ở xã Long Phú có 9 ấp thì mỗi ấp khoảng 80-90 hộ dân có người đi làm ăn xa, có hộ chỉ còn cái xác nhà.

“Thấy họ đi mà tui không cản được, chỉ cố gắng hỗ trợ người ở lại, nhà nào thiếu nước thì xã cho nước, thiếu gạo thì cho gạo, chúng tôi cũng cố gắng hết sức thuyết phục gia đình cho tụi nhỏ ra lớp đàng hoàng” - ông Son nói. Anh Nguyễn Thành Duy, phó bí thư Tỉnh đoàn Sóc Trăng, cho biết thống kê từ sau Tết Nguyên đán đã có hơn 22.000 thanh niên rời địa phương đến các tỉnh, thành khác làm việc.

Trong đó, chỉ riêng xã Long Phú có hơn 6.000 người ra đi. Theo anh Duy, đây là tình trạng di dân tị nạn môi trường, môi trường sống không phù hợp, không có thu nhập ổn định nên những người còn trong tuổi lao động phải tìm sinh kế ở nơi khác.

Dân miệt vườn cũng lao đao

Không  chỉ dân xứ  Cà Mau, Kiên Giang, Sóc Trăng... mới biệt xứ đi làm ăn xa, ngay người ở vùng xưa nay được coi là trù phú như Tiền Giang, Vĩnh Long cũng ra đi vì đồng ruộng “bết quá”. Chúng tôi đến xã Phú Thạnh, huyện Tân Phú Đông (Tiền Giang) cũng  cảm nhận ngay được sự vắng vẻ, thiếu vắng bóng thanh niên trai tráng nơi đây.

Ông Nguyễn Tấn Hùng, chủ tịch UBND xã Phú Thạnh, áng chừng có thể lên đến 80% thanh niên trong xã đi làm ăn xa, nhiều nhất vẫn là tìm đến TP.HCM. Ở đây người ta đi thành xóm, người này rủ người kia. Ở ấp Bãi Bùn, xã Phú Thạnh, rất nhiều ngôi nhà đóng cửa im ỉm như ở xã Long Phú (Sóc Trăng). Trước sau những ngôi nhà này là cả cánh đồng rộng mênh mông nhưng xác xơ, nứt nẻ do hạn hán và mặn xâm nhập. Bên cạnh đó là những ao hồ trơ đáy, nứt nẻ.

Bà Đặng Thị Đào, 55 tuổi, đang chuẩn bị cho hai cháu ngoại đi học. Bà là một trong số ít người hiếm hoi mà chúng tôi gặp tại ấp Bãi Bùn này. Con trai bà là Nguyễn Thanh Hiếu, năm nay 31 tuổi nhưng đã có thâm niên 16 năm đi làm hồ ở Sài Gòn. Còn vợ Hiếu làm ở Khu công nghiệp Tân Hương (Tiền Giang), vài bữa mới tạt về nhà một lần.

Con cái gửi bà giữ cả. Đến chồng bà Đào năm nay 60 tuổi cũng mới lên TP.HCM làm phụ hồ kiếm sống. Nhà bà có hơn nửa công đất trồng sả, vậy nhưng “năm nay ông trời cũng không cho ăn khi nắng hạn, mặn xâm nhập kéo dài, sả chết hết ráo” - bà Đào nói.

Theo ông Dương Văn Nhàn - phó trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Tân Phú Đông, toàn huyện có 30.515 người trong độ tuổi lao động thì có tới hơn 12.500 lao động phải thường xuyên đi làm ăn xa ở các khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh, đông nhất là tại TP.HCM. Số còn lại cũng lần lượt đi tìm việc làm thuê nơi khác mong kiếm cái ăn.

Giải thích về lý do trên, ông Nhàn cho rằng do địa hình của huyện bị chia cắt với đất liền bởi con sông Cửa Tiểu, đất đai nhiễm phèn, mặn nặng. Đồng thời, trong năm nay sự khắc nghiệt của hạn hán, mưa ít, mặn ngày càng xâm nhập đã làm cho phần lớn đất nông nghiệp trên địa bàn huyện không sản xuất được. Đó chính là lý do người dân nơi đây phải rời bỏ quê nhà, tha phương cầu thực.

Tags:
4.4 7 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Tỷ giá

Pháp luật

Sửa Luật Quảng cáo: rà soát, đối chiếu với các luật để hạn chế chồng chéo
(Tieudung.vn) Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh đề nghị Cơ quan chủ trì soạn...
 
TP Hồ Chí Minh: Bắt ca sĩ Quốc Kháng và Chủ tịch Mỹ Châu Pharmacy
(Tieudung.vn) Do có hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” nên ca sĩ Quốc Kháng và Lê Nguyễn...
 
Chuyển Công an điều tra Phòng khám Đa khoa Y học Sài Gòn
(Tieudung.vn) Phòng khám Đa khoa Y học Sài Gòn bị Thanh tra Sở Y tế TP Hồ Chí Minh...

Muôn màu

Cách tập thể dục an toàn ngoài trời
(Tieudung.vn) Thay vì tập luyện trong phòng gym, nhiều người đang chuyển hướng sang các bài tập thể dục...
 
Tử vi ngày 22/11/2024 của 12 cung hoàng đạo: Xử Nữ không nên vội vàng bỏ cuộc
(Tieudung.vn) Tử vi hàng ngày Thứ sáu ngày 22/11/2024 của 12 cung hoàng đạo, Xử Nữ không nên...
 
Căng thẳng mùa deadline cuối năm: Làm gì để giảm stress, giải nhiệt cuộc sống mỗi ngày?
(Tieudung.vn) “Dù công việc gia tăng mỗi ngày nhưng mình có cách giảm stress, thích nghi với deadline gấp...

Du lịch - Ẩm thực

Phở bò Việt Nam lọt top 20 món súp ngon nhất thế giới
(Tieudung.vn) Món phở bò của Việt Nam tiếp tục ghi danh trong danh sách 20 món súp ngon nhất...
 
3 điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm trong kinh doanh dịch vụ ăn uống
(Tieudung.vn) An toàn thực phẩm là yếu tố quan trọng hàng đầu trong ngành kinh doanh dịch vụ ăn...
 
Du lịch tăng tốc đón khách quốc tế cuối năm
(Tieudung.vn) Chính sách thị thực thuận lợi, các chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch được đẩy mạnh...
Giá nông sản
Nguồn: Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn Xem thêm »

Chuyên trang Tiêu dùng - Báo Kinh tế & Đô thị điện tử, Cơ quan của UBND TP. Hà Nội
Giấy phép số: 27/GP-CBC do Bộ Thông tin & Truyền thông cấp ngày 17/05/2022
Tổng Biên tập: Nguyễn Thành Lợi

() Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Tieudung.kinhtedothi.vn

Share facebook Share google Share twitter Share linkedin Share pinterest
1.67994 sec| 895.625 kb