Toàn cảnh Hội nghị truyền thông về việc làm đối với các cơ quan báo chí. |
Với mục đích định hướng tuyên truyền sâu rộng đến người sử dụng lao động, người lao động và mọi tầng lớp người dân. Ngày 10/5 tại Bình Dương, Cục Việc làm và Tạp chí Lao động và Xã hội (Bộ LĐTB&XH) tổ chức Hội nghị Truyền thông về việc làm đối với các cơ quan báo chí.
Phát biểu tại Hội nghị, Bà Nguyễn Thị Hà - Thứ trưởng Bộ LĐTBXH cho rằng: "Trong thời gian qua công tác truyền thông về lĩnh vực việc làm, quản lý lao động, bảo hiểm thất nghiệp chưa được quan tâm đúng mức, dẫn đến nhận thức của một số DN, người lao động và người dân ở một số khu vực về việc làm, quản lý lao động, bảo hiểm thất nghiệp vẫn chưa đầy đủ; họ chưa thấy hết được lợi ích lâu dài của chính sách bảo hiểm thất nghiệp, về vai trò của các Trung tâm Dịch vụ việc làm, về các chính sách việc làm cho các đối tượng đặc thù như: Thanh niên, người cao tuổi, người khuyết tật, người học nghề… Ở đâu đó, không ít người lao động còn hiểu biết mờ nhạt về quyền và nghĩa vụ bảo đảm việc làm là nền tảng để phát triển kinh tế - xã hội.
Bà Nguyễn Thị Hà – Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH. |
Để thay đổi nhận thức về lĩnh vực này, cần sự quan tâm, chung tay của các cơ quan báo chí. Nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về công tác truyền thông, các cơ quan chức năng cần thực hiện một cách liên tục công tác truyền thông về việc làm, quản lý lao động, bảo hiểm thất nghiệp, nhất là trên các phương tiện truyền thông đại chúng".
Đồng quan điểm với ý kiến trên, ông Nguyễn Văn Hùng – Hàm Vụ trưởng Vụ Báo chí – Xuất bản, Ban Tuyên giáo T.Ư chia sẻ thêm: "Việc làm, quản lý lao động và bảo hiểm thất nghiệp luôn được xem là những nội dung căn cốt của đời sống con người gắn liền với mọi gia đình, mỗi con người cụ thể. Do đó, trong thời gian tới báo chí cần tập trung thông tin, tuyên truyền các nội dung sau: Phản ánh mối quan hệ giữa người, cơ quan, tổ chức sử dụng lao động và người lao động; khai thác và chuyển tải kịp thời đến các đối tượng trên đầy đủ, chính xác chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước liên quan đến chức năng trong lĩnh vực lao động, việc làm; định hướng nhận thức cho người lao động cách nhận biết, phân biệt thông tin thật, giả về việc làm; cảnh báo đến người dân mất việc làm, mất kế sinh nhai bởi các dự án ma, dự án treo; tình trạng mất an ninh trật tự, an toàn xã hội và môi trường sống…".
Người lao động đến TT DVVL Bình Dương giải quyết vẫn đề BH Thất nghiệp. |
Tuy nhiên, trong thời buổi hiện nay, công tác truyền thông về việc làm, quản lý lao động và bảo hiểm thất nghiệp vẫn tồn tại một số khó khăn đối với người làm truyền thông: "Khó khăn tiếp cận thông tin nguồn, thông tin chính xác và thông tin có trách nhiệm về việc làm, quản lý lao động và bảo hiểm thất nghiệp. Cùng với đó thông tin chính sách về việc làm, quản lý lao động và bảo hiểm thất nghiệp không hấp dẫn thu hút bạn đọc" - TS Trần Bá Dung - Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam chia sẻ.
"Vì vậy, muốn truyền thông có hiệu quả về vấn đề này cần phải trang bị kiến thức, quan điểm tiếp cận về an sinh xá hội, để có cách nhìn toàn diện, sâu săc. Cùng với đó báo chí – truyền thông cần phải tham gia giải quyết các vấn đề liên quan tới nhận thức, thái độ và hành vi của công chúng" - ông Trần Bá Dung đưa ra giải pháp.