Ngày 31/7, Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh tổ chức sơ kết 6 năm thực hiện Đề án thanh toán không dùng tiền mặt trong các trường phổ thông trên địa bàn.
Từ năm 2014, TP đã xây dựng đề án này với sự chủ trì của Sở Giáo dục và đào tạo. Qua 6 năm thực hiện, đến nay đã có 9 quận, huyện ban hành kế hoạch thực hiện, triển khai gồm Bình Tân, Tân Bình, quận 6, 7, 9, 10, Bình Chánh, Củ Chi, Nhà Bè.
Hiện toàn TP có khoảng 1,7 triệu học sinh các cấp và hàng nghìn trường học. Có trường lên đến gần 4.000 học sinh nhưng vẫn thu tiền mặt, trong khi học phí và các khoản thu khác lên đến hàng chục nghìn tỉ đồng.
Phụ huynh một trường tại TP Hồ Chí Minh được hướng dẫn sử dụng thanh toán học phí không dùng tiền mặt.
Thế nhưng nhân sự ít, thực hiện tinh giản biên chế theo quy định của Bộ Nội vụ (cấp mầm non, 4 nhân viên trường học chỉ còn 2 biên chế: Thủ quỹ, kế toán, nhân viên y tế, nhân viên văn thư), gây khó khăn cho công tác quản lý, đồng thời mất thời gian chờ đợi của phụ huynh.
Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, trong học kỳ 2 năm học 2019-2020 vừa qua, các trường học tại TP Hồ Chí Minh nghỉ học kéo dài. Việc thu học phí và các khoản thu nhà trường rất khó khăn khi các khoản thu dồn vào trong một thời gian dài.
Do đó, từ năm học mới 2020-2021, TP Hồ Chí Minh sẽ triển khai thu học phí không tiền mặt ở 70% trường học, đến năm học 2021-2022 đạt 100% trường học tham gia.
Thay đổi này sẽ giúp phụ huynh, nhà trường tiết kiệm thời gian, minh bạch, tiết kiệm thời gian. Đồng thời phù hợp với bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Trước đó, năm 2017 có 85 trường THPT vận hành hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt; năm 2020 trên 90% trường THPT sử dụng dịch vụ này. Tuy nhiên, ở các trường mầm non, tiểu học, THCS tỉ lệ sử dụng hình thức này chưa cao.