Theo kết luận thanh tra: Đối với Chương trình giảm ô nhiễm môi trường, kết luận thanh tra chỉ ra rằng: tỉ lệ che phủ rừng và cây xanh phân tán tính đến tháng 6-2018 chưa đạt chỉ tiêu theo kế hoạch của UBND TP Hồ Chí Minh giao mỗi năm 1.000.000 cây. Cụ thể: về dự án đầu tư Trồng mới rừng phòng hộ ấp 3, xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh và dự án mở rộng vườn thực vật Củ Chi. Các dự án chưa triển khai thực hiện là trách nhiệm của Sở NN&PTNT, chưa báo cáo UBND Thành phố đôn đốc, nhắc nhở UBND huyện Củ Chi, Bình Chánh thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, thực hiện việc thu hồi đất và bàn giao mặt bằng cho Sở NN&PTNT.
Việc thực hiện Dự án trồng mới và chuyển hoá rừng phòng hộ, rừng sản xuất tại Công viên lịch sử văn hoá dân tộc do Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Bình Chánh, Củ Chi làm chủ đầu tư đã khảo sát hiện trạng dự án chưa đầy đủ, không kiểm đếm loại cây để lại. Tuy Ban Quản lý Khu Công viên Lịch sử Văn hoá dân tộc có thực hiện công tác khảo sát hiện trạng dự án có số liệu lượng cây chặt tỉa thưa, nhưng không có số liệu lượng cây để lại. Theo báo cáo số 183/BC-BQL ngày 10 tháng 7 năm 2018 của Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Bình Chánh, Củ Chi thì tổng số cây thụ mộc (gồm sao đem, dầu, xà cừ, lim xẹt...) là 2.433 cây được giữ lại, trong đó tại Lô A1-A2 là 902 cây, lô B1-B2-1 là 919 cây, C2 là 612 cây. Tuy nhiên, khi Đoàn thanh tra chọn kiểm điểm thực tế Lô A1-A2 ghi nhận có 561 cây (Lô A1 268 cây Lô A2-293 cây) bao gồm các loại sao, dầu, muồng đen, xà cừ, gõ đỏ, bằng lăng, lim xẹt, lát hoa... Như vậy, số lượng cây để lại tính đến thời điểm kiểm tra thực tế Lô A1-A2 thiếu 341 cây. Trách nhiệm này thuộc về Sở NN&PTNT và Ban Quản lý Khu Công viên Lịch sử Văn hoá dân tộc. Việc thực hiện công tác cung cấp cây giống trồng phân tán trên địa bàn Thành phố năm 2017 có sai sót về thực hiện thông báo mời thầu, về đánh giá hồ sơ dự thầu, về báo cáo đánh giá hồ sơ dự thầu, tổ chuyên gia không ký tên xác nhận tại biểu mẫu số 03 đánh giá về năng lực và kinh nghiệm…- kết luận thanh tra chỉ rõ.
Thông báo kết luận thanh tra trách nhiệm giám đốc Sở NN&PTNT TP Hồ Chí Minh
Đối với Công ty TNHH Một thành viên Quản lý khai thác dịch vụ thủy lợi: Dù được UBND Thành phố giao trực tiếp quản lý 1226 kênh, rạch nhưng thiếu trách nhiệm không báo cáo đầy đủ các cá nhân, tổ chức xã trực tiếp nước thải ra kênh rạch cho cơ quan chức năng để xử lý theo quy định, cụ thể là Khu công nghiệp Lê Minh Xuân như đã nêu trong kết luân. Trách nhiệm này thuộc về Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Quản lý khai thác thủy lợi.
Đặc biệt, tình trạng xả nước thải trong chăn nuôi heo, bò ở khu vực huyện Bình Chánh, Củ Chi chưa được kiểm soát, các hộ chăn nuôi xả nước thải chưa được xử lý ra kênh thủy lợi gây ô nhiễm nguồn nước. Việc giết mô thủ công, giết mô gia súc, gia cầm trái phép chưa được kiểm soát vẫn còn tồn tại, nước thải từ hoạt động giết mổ xả ra kênh, rạch gây ô nhiễm... “Trách nhiệm này thuộc về giám đốc Sở NN&PTNT” - kết luận thanh tra khẳng định.
Đối với Chương trình nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh: Kết quả thực hiện các chỉ tiêu theo Kế hoạch số 3420/KH-SNN ngày 21/12/2016 triển khai Chương trình hành động số 16-CTr/TU ngày 27//10/2016 của Thành ủy thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ X về nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh của kinh tế Thành phố đáp ứng yêu cầu hội nhập giai đoạn 2016-2020. Qua kết quả thực hiện năm 2017, đối chiếu với kế hoạch, nhìn chung tiến độ thực hiện còn chậm so với yêu cầu, có một số chỉ tiêu không đạt được và mục tiêu đề ra đến năm 2020 có khả năng không hoàn thành.
Cụ thể như sau: Về công tác nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học để sản xuất giống cây, giống con chất lượng và năng suất cao, từng bước hình thành trung tâm giống cây, giống con của khu vực. Trung tâm Giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản: Công tác chuyển giao tinh bò, tinh heo cho các đơn vị thực hiện gieo tinh còn chậm, do đó, chưa thống kê và đánh giá được kết quả thực hiện chương trình. Việc kiểm soát gieo tinh (thông qua phiếu quản lý gieo tinh) chưa chặt chẽ, chữ viết tên của chủ hộ cùng nét với chữ viết của dẫn tinh viên, phần chữ ký của chủ hộ không rõ ràng, thể hiện ở tên chủ hộ để trống, chữ ký chỉ ghi tên và có cùng nét chữ của dẫn tinh viên, cùng 01 người nhưng nhiều chữ ký khác nhau.
Bên cạnh đó, việc nhập tinh bò thịt không phù hợp với nhu cầu thực tế: năm 2016, Trung tâm tiến hành đấu thầu và nhập 36.000 liều tinh bò thịt, kế hoạch sử dụng cho năm 2017. Đến tháng 1 năm 2018, Trung tâm đã chuyển giao cho các đơn vị 1.869 liều, bao gồm: 3.000 liều cho Thủ đô Viêng Chăn - Lào và 8.869 liều cho các đơn vị tham gia phối hợp thực hiện, số lượng tinh còn tồn là 24.431 liều, đến nay đã hết thời hạn bảo hành. Số lượng tinh bò này được lưu trữ tại kho của Trung tâm, được bảo quản trong bình chuyên dụng chứa Nitơ lỏng ở nhiệt độ -196°C và kiểm tra chất lượng định kỳ 6 tháng/lần. Tuy nhiên, việc mua số lượng lớn tinh bò, không sử dụng hết, để lưu trữ trong nhiều năm sẽ làm giảm chất lượng và phải chịu thêm chi phí bảo quản.
Việc đánh giá kết quả lai tạo, phục tráng giống còn mang tính chủ quan, nội bộ tự đánh giá (Ban Giám đốc và Phòng Kỹ thuật) không lập biên bản ghi nhận nội dung đánh giá, không có đánh giá, chứng nhận của đơn vị chuyên môn.
Đối với Trung tâm Công nghệ sinh học lập: Trung tâm lập kế hoạch về công tác nhân giống rau, hoa chưa phù hợp với năng lực thực tế, kế hoạch nhân giống khoảng 800.000 cây giống nhưng kết quả thực hiện chỉ có 350.000 cây. Phần lớn giống cây trong quá trình nghiên cứu chưa đưa vào áp dụng thực tế cho nông dân – kết luận thanh tra nêu.
Kết luận cũng chỉ rõ Sở NN&PTNT khi kiểm tra phát hiện vi phạm chỉ nhắc nhở, chưa xử lý theo quy định đối với 7 tổ chức có giấy phép xả thải trên địa bàn Thành phố có hiệu lực do Bộ NN&PTNT cấp. Ngoài ra, có việc chồng chéo trong thực hiện thẩm định hồ sơ xin cấp phép xả thải, việc quản lý kiểm tra, giám sát giữa Sở NN&PTNT và Sở Tài nguyên và Môi trường, thiếu sự phối hợp giữa hai Sở và có khó khăn trong việc phân định giữa nguồn nào thuộc hệ thống thủy lợi, nguồn nào thuộc sông suối tự nhiên. Đồng thời, thiếu sự phân công, phân cấp quản lý thoát nước và xử lý nước thải trên địa bàn TP theo quy định.
Về chương trình nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh, qua kết quả thực hiện năm 2017, đối chiếu với kế hoạch, nhìn chung tiến độ thực hiện còn chậm so với yêu cầu, có một số chỉ tiêu không đạt được và mục tiêu đề ra đến năm 2020 có khả năng không hoàn thành. Cụ thể, đề án ban hành từ năm 2014, Sở NN&PTNT được giao tổng cộng 20 nhiệm vụ, đến nay có 12/20 nhiệm vụ đã hoàn thành (trong đó có 7 nhiệm vụ trễ hạn), 8/20 nhiệm vụ chưa hoàn thành.