Theo đó, từ ngày 1/5/2018, việc thực hiện thí điểm được triển khai tại 5 sở ngành, quận huyện gồm Văn phòng UBND thành phố, Sở Tài chính, Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố, UBND quận Bình Thạnh và UBND huyện Bình Chánh.
Nội dung khoán phí áp dụng trong trường hợp đưa đón từ nơi làm việc đến nơi công tác; không áp dụng khoán kinh phí sử dụng xe ô tô đưa đón hàng ngày từ nơi ở đến nơi làm việc.
Từ 1/5, TP Hồ Chí Minh thí điểm khoán xe công gần 20 triệu/xe/tháng.
Cụ thể, đối tượng áp dụng là các chức danh lãnh đạo có hệ số phụ cấp chức vụ từ 0,7 trở lên (không kể kiêm nhiệm) đủ tiêu chuẩn sử dụng xe ô tô phục vụ công tác chung để đưa đón đi công tác.
Đây cũng là các chức danh đủ tiêu chuẩn sử dụng xe ô tô công để đi công tác trong các đơn vị trên gồm: Chánh văn phòng và các phó chánh văn phòng UBND TP, Giám đốc và các phó giám đốc Sở Tài chính, Trưởng ban và các phó ban Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố, Chi cục trưởng Chi cục Tài chính doanh nghiệp, Chủ tịch UBND Q. Bình Thạnh, chủ tịch UBND huyện Bình Chánh.
Có hai phương án khoán để các đơn vị lựa chọn. Hoặc khoán theo đơn giá cố định với 11.000 đồng/km đường; hoặc khoán theo giá cố định là 19.800.000 đồng/tháng/xe.
Sở Tài chính sẽ đề xuất điều chỉnh giá khoán khi cước vận tải trên thị trường tăng hoặc giảm 20%.
UBND TP cũng chỉ đạo việc khoán kinh phí sử dụng xe ô tô công phải đảm bảo đúng đối tượng, không làm phát sinh chi phí hành chính hàng năm, không làm ảnh hưởng đến việc thực hiện các nhiệm vụ được giao.
Nguồn kinh phí khoán được bố trí trong dự toán ngân sách được giao hằng năm (kinh phí giao thực hiện chế độ tự chủ) của các cơ quan, đơn vị thực hiện thí điểm khoán.
Sau thời gian thí điểm, các đơn vị báo cáo, đánh giá kết quả vào tháng 10/2018. Sau đó, UBND TP sẽ xem xét, áp dụng khoán xe công cho tất cả các đơn vị trên địa bàn TP vào từ ngày 1/1/2019.