Các đơn vị taxi chính thống đứng bên bờ vực
Hiệp hội Taxi TP. Hồ Chí Minh vừa gửi đơn thỉnh cầu tới Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể về việc đề nghị Nhà nước sớm có giải pháp cứu vãn khả năng phá sản của hàng trăm doanh nghiệp Taxi chính thống trong cả nước.
Theo Hiệp hội Taxi TP. Hồ Chí Minh, trong quá trình thí điểm loại hình xe hợp đồng điện tử từ 9 chỗ ngồi trở xuống theo quy định tại quyết định số 24 của Bộ GTVT, đã bộc lộ sự bất cập, bất công về mặt chính sách giữa hai loại hình taxi và hợp đồng điện tử. Bởi, quy về bản chất hai loại hình hoạt động như nhau, nhưng Bộ GTVT đã và đang cố gắng tạo một chợ riêng, sân chơi riêng, giống như một cơ chế thương mại độc quyền cho loại hình đang thí điểm. Trong đó nòng cốt và chủ yếu là hai đơn vị nước ngoài là Grab và Uber.
Cũng theo Hiệp hội Taxi TP. Hồ Chí Minh, việc thí điểm loại hình này buông lỏng, không hạn chế số lượng. Vì vậy chỉ sau 2 năm cả nước đã có trên 50.000 xe được Grab và Uber quy nạp vào mạng lưới và hàng trăm doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) từ Bắc vào Nam trở thành vệ tinh, thuộc cấp của Grab và Uber.
Điều đáng nói là mối quan hệ giữa chủ xe, lái xe với doanh nghịêp, HTX chỉ là hình thức, còn mối quan hệ cơ bản được xác lập là sự điều hành, chỉ đạo trực tiếp từ Grab và Uber đến các chủ xe và lái xe của Việt Nam. Thậm chí, Uber Hà Lan trực tiếp chỉ đạo, điều hành và quyết định mọi vấn đề kinh doanh tại Việt Nam. Kể cả quy định giá cước, thu cước, phân chia lợi nhuận, kể cả trực tiếp thỏa thuận giá cả với khách hàng trên đất nước Việt Nam…
Điều khác biệt là hầu hết xe chạy cho Grab và Uber đều không có đèn mui, không có đặc điểm nhận dạng thương hiệu, không dán logo, riêng phù hiệu có xe dán xe không… Từ đó dễ dàng “tàng hình” để giành khách và qua mặt các cơ quan chức năng khi muốn kiểm tra. Nhiều địa phương công khai tuyên bố “bó tay” hoặc “mất kiểm soát” đối với loại xe này.
Taxi công nghệ đang phát triển mạnh mẽ gây khó khăn cho việc quản lý. |
Phải quy định Uber và Grab là taxi
Hiệp hội Taxi Hà Nội – Đà Nẵng – TP Hồ Chí Minh trước đó cũng đã có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể về một số kiến nghị liên quan đến chương trình thí điểm theo Quyết định 24 của Bộ GTVT.
Theo đó, đề nghị Bộ GTVT có văn bản chỉ đạo các địa phương thực hiện thí điểm dừng ngay việc cấp mới phù hiệu xe hợp đồng cho các phương tiện tham gia chương trình thí điểm để kiểm điểm, rút kinh nghiệm về công tác quản lý vì số lượng phương tiện bùng nổ hiện nay các địa phương không kiểm soát được.
Đề nghị Bộ GTVT ban hành ngay quy định về việc nhận diện đối với các phương tiện tham gia thí điểm. Cụ thể, phương tiện thí điểm phải dán biểu trưng (logo) của đơn vị vận tải với kích thước tối thiểu 20cm x 30cm trên hai cánh cửa xe; trên nóc gắn hộp đèn có tên của đơn vị vận tải; các doanh nghiệp vận tải phải đăng ký với Sở GTVT nơi cấp phù hiệu để cấp, dán tem cho phương tiện tham gia thí điểm.
Đồng thời, tổ chức kiểm tra, xử phạt khi các xe có phù hiệu, logo nhưng cố tình không dán lên xe theo quy định.
Cũng theo Hiệp hội Taxi Hà Nội – Đà Nẵng – TP Hồ Chí Minh, cần xem xét lại quy định tại điều 21 của dự thảo Nghị định 86 sửa đổi, bởi tại sao đơn vị vận tải phải dán logo của đơn vị cung cấp phần mềm (Grab,Uber…) mà không dán logo của doanh nghiệp đó.
Với quy định này, vô hình Bộ GTVT đã khẳng định 50.000 xe hiện nay và sắp tới là hàng trăm nghìn xe chạy trong mạng lưới của Grab, Uber trên cả nước chính là của hai đơn vị này, không thấy có vai trò của các doanh nghiệp, hợp tác xã đối với các xe này. Như vậy sẽ tạo ra một hệ thống xe taxi độc quyền trong cả nước dưới sự điều hành kinh doanh của Grab, Uber.
Bên cạnh đó, Hiệp hội Taxi Hà Nội – Đà Nẵng – TP. Hồ Chí Minh đề nghị xem xét lại quan điểm và trách nhiệm đối với ngành vận tải và đối với xã hội của một số cán bộ đã, đang làm trái với tinh thần chỉ đạo của văn bản 1850/TTg-KTN ngày 19/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ và quyết định số 24 của Bộ GTVT.
Hiệp hội Taxi Hà Nội – Đà Nẵng – TP Hồ Chí Minh cũng đề nghị xem xét lại việc chấp hành pháp luật của Uber, Grab có tuân thủ đúng quy định không. Bởi, mặc dù quyết định 24 chỉ cho phép thí điểm tại 5 tỉnh, thành phố nhưng đến nay, Grab, Uber đang mở rộng hoạt động tại nhiều tỉnh, thành phố khác như: Huế, Bắc Ninh, Lâm Đồng, Đồng Nai, Vũng Tàu…
Riêng tại Đà Nẵng, mặc dù chưa được phép thí điểm nhưng cả Uber và Grab đều vẫn đang hoạt động với số lượng lên đến hơn 3.000 xe. Còn tại Khánh Hòa, cả Uber và Grab đều không liên hệ với Sở GTVT, không có văn phòng nhưng hiện điều hành cả ngàn xe hoạt động trái phép. Đây là việc làm coi thường pháp luật Việt Nam, coi thường Nhà nước Việt Nam của 2 đơn vị vận tải nước ngoài này.
Trên thực tế, cả Uber và Grab đều đang điều hành kinh doanh, đang thỏa thuận và thu tiền trực tiếp từ khách hàng Việt Nam chứ không chỉ cung cấp phần mềm. Riêng Uber do không có công ty đủ tư cách pháp nhân tại Việt Nam nên trên thực tế Uber Hà Lan trực tiếp thỏa thuận với khách tại Việt Nam và tiền được chuyển thẳng vào tài khoản của họ chứ không vào tài khoản của lái xe hoặc doanh nghiệp, hợp tác xã Việt Nam.
Đây được xem là lỗ hổng pháp lý rất lớn liên quan đến quyền và nghĩa vụ của các chủ thể của hợp đồng, khi xảy ra tai nạn thì sẽ thiếu trách nhiệm giải quyết.
Theo Hiệp hội Taxi Hà Nội – Đà Nẵng – TP. Hồ Chí Minh, định danh sai thì không thể có chính sách đúng, không thể góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển mà ngược lại nó sẽ gây rối loạn thị trường, tạo nên các xung đột xã hội lẽ ra không nên có.
Từ đó, Hiệp hội Taxi Hà Nội – Đà Nẵng – TP. Hồ Chí Minh kiến nghị Bộ GTVT nên xem hoạt động của 50.000 xe Uber và Grab là taxi để quản lý như taxi. Góp phần chống thất thu thuế; các địa phương quản lý số lượng đầu xe chặt chẽ và không bị vỡ quy hoạch vận tải…