Theo đó, trong các ngày 26 và 27/11 vừa qua, UBND quận Bình Tân đã lên kế hoạch tổ chức cưỡng chế các công trình không phép, công trình vi phạm trật tự đô thị trên diện tích đất nông nghiệp khoảng 29.000 m2, thuộc địa phận phường Bình Hưng Hòa. Thửa đất nói trên đã được cấp GCNQSDĐ năm 2002 cho 2 người là ông Diệp Mao Hồng (16.982m2) và ông Trực Vi Toàn (12.918 m2). Theo chính quyền địa phương, cũng năm 2002, thửa đất 29.000 m2 này đã được UBND TP.HCM thu hồi, giao cho đơn vị thực hiện dự án mở rộng Khu công nghiệp Tân Bình.
Vật kiến trúc khổng lồ trên đất nông nghiệp chưa bị cưỡng chế, tháo dỡ, di rời... |
Đối tượng bị cưỡng chế là bà Trương Nhật Lệ (sinh năm 1973) và ông Trần Văn Ân (sinh năm 1949) do xây dựng công trình, bố trí vật kiến trúc vi phạm các quy định trên thửa đất nông nghiệp này.
Đầu tiên, đối với các công trình/ vật kiến trúc do bà Trương Nhật Lệ xây cất không phép này, UBND quận Bình Tân sáng 26/11 đã ra quân cưỡng chế. Tuy nhiên tới thời điểm hiện tại, nhiều hạng mục công trình/ vật kiến trúc trên thửa đất này vẫn còn tồn tại trước sự ngỡ ngàng của báo chí, dư luận. Theo UBND quận Bình Tân, một số công trình/ vật kiến trúc phải cần thiết bị chuyên dụng mới có thể di dời, nên thời gian tháo dỡ được gia hạn vài ngày.
Một công trình xây dựng trên đất nông nghiệp 29.000 m2 tại phường Bình Hưng Hòa. |
Còn với trường hợp của gia đình ông Trần Văn Ân, ngày 27/11, dù phía Ân đã xin gia hạn thời gian tự tháo dỡ do vừa qua đợt bão lũ, nhưng UBND quận Bình Tân vẫn thực hiện quyết định cưỡng chế theo kế hoạch. Tới khoảng 16h chiều cùng ngày, các công trình không phép, công trình vi phạm trật tự đô thị gồm 5 khối công trình cột gỗ, vách tôn, mái tôn (tổng diện tích vi phạm 491,15m2) của ông Ân đã bị đập bỏ hoàn toàn. Hiện gia đình ông Ân (khoảng trên 20 người, gồm cả người già, phụ nữ và trẻ em) đang dựng lều bạt cư ngụ trên nền nhà cũ.
Cụm công trình cột gỗ, mái tôn, vách tôn của ông Tân đã bị phá bỏ hoàn toàn. |
Theo quan sát của PV, dù đã qua gần 10 ngày kể từ ngày UBND quận Bình Tân thực hiện cưỡng chế nhưng nhiều công trình/ vật kiến trúc xây dựng không phép của bà Trần Nhật Lệ trên đất nông nghiệp vẫn "trơ gan cùng tuế nguyệt" khiến dư luận đặt nghi vấn, phải chăng UBND quận Bình Tân đã "quên" việc phải cưỡng chế này hay còn có động cơ khác (?!) Không những thế, trên khu đất nông nghiệp này, xuất hiện một nhóm người đã tự tổ chức lập hàng rào kim loại, tổ chức canh gác giữ đất khiến nguy cơ xảy ra xô xát, mất an ninh trật tự đáng báo động.
Vật kiến trúc khổng lồ nhìn từ nơi ở của gia đình ông Ân chưa được di dời. |
Tới thời điểm này, truyền thông, dư luận và người dân đang chờ đợi UBND quận Bình Tân nhanh chóng thực hiện triệt để các quyết định cưỡng chế công trình không phép, vi phạm trật tự đô thị, gồm nhà/ vật kiến trúc, tường rào,... trên đất nông nghiệp tại phường Bình Hưng Hòa, đảm bảo sự công bằng, nghiêm minh, không có vùng cấm, không có ngoại lệ của luật pháp.
Thêm nữa, thể hiện sự quyết liệt, không khoan nhượng trong cưỡng chế công trình sai phép, vi phạm trật tự đô thị trên đất nông nghiệp cũng là cách để chính quyền củng cố niềm tin của người dân, khẳng định sự công tâm, liêm chính trong thực thi công vụ.
Tieudung.vn sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.
Phước An - Chính Trực