Xây "nhà không phép" trên... "đất không thuộc quyền sử dụng" (?!)
Theo báo NLĐ, ông Nguyễn Gia Thái Bình thông tin trường hợp xây dựng không phép nói trên như sau: Năm 2009, ông Trần Văn Ân tự xây dựng công trình nhà ở không phép trên đất nông nghiệp và không thuộc quyền sử dụng của ông tại thửa đất số 55, 56, 58, 59, 60, 61, 62 tờ bản đồ số 1 (tài liệu 2005) ở phường Bình Hưng Hòa. Tổng diện tích là 510 m2. Hiện trạng khung sắt, mái tôn, vách tôn.
Cụm công trình lụp xụp này đã khiến UBND quận Bình Tân họp báo về việc tổ chức cưỡng chế? |
Ngày 17/8/2017, UBND phường Bình Hưng Hòa ban hành quyết định cưỡng chế tháo dỡ công trình không phép của ông Ân. "Từ tháng 9/2017 đến nay, UBND phường Bình Hưng Hòa và tổ công tác của quận đã mời ông Ân 12 lần để vận động chấp hành quyết định của phường nhưng ông Ân vẫn không chấp hành,…", ông Nguyễn Gia Thái Bình nói.
Cũng theo ông Bình, hiện gia đình ông Ân có 29 người (26 người đang cư trú tại các công trình vi phạm, 3 người ở không thường xuyên). Để đảm bảo nghiêm minh pháp luật, các cơ quan có liên quan sẽ tiếp tục tuyên truyền vận động để gia đình ông Ân chấp hành quyết định cưỡng chế. Nếu gia đình ông Ân không chấp hành sẽ cưỡng chế vào ngày 27/11.
Công trình này của gia đình ông Ân giống túp lều hơn là nhà kiên cố. |
Về phương án hỗ trợ gia đình ông Ân sau cưỡng chế, ông Bình cho biết quận sẽ thuê nhà cho gia đình ông Ân ở trong 3 tháng và hỗ trợ 15 triệu đồng. Đồng thời, quận cũng đang vận động các mạnh thường quân bố trí cho gia đình ông Ân một căn hộ có giá dưới 1 tỉ đồng.
Trước đó, vào ngày 2/11/2018, báo SGGP đã có bài viết "Quyết định cưỡng chế hiệu lực trên giấy" nói tới trường hợp hộ ông Trần Văn Ân.
Theo đó, năm 2012, UBND phường Bình Hưng Hòa lập biên bản, ra quyết định cưỡng chế 29,4m² công trình xây dựng không phép trên đất nông nghiệp. 6 năm qua, UBND phường Bình Hưng Hòa đã ra nhiều quyết định xử phạt, cưỡng chế, nhưng chỉ có hiệu lực trên giấy.
Bên trong cái gọi là "công trình không phép" của gia đình ông Ân. |
Việc "chậm trễ" nói trên đã khiến "người dân bức xúc trước tình trạng các quyết định xử phạt, cưỡng chế của UBND phường Bình Hưng Hòa chỉ có hiệu lực trên giấy, còn việc xây dựng không phép vẫn liên tục diễn ra" (?!).
Gia đình ông Ân thắc mắc: "Nhà không phép" thì đã hiểu. Nhưng "đất không thuộc quyền sử dụng của ông" thì tối nghĩa, vì gia đình ông đã sinh sống, quản lý, canh tác trên đất từ lâu. Gia đình ông cũng không rõ người dân nào mà lại "bức xúc" khi ông xây công trình trên đất không phải đất công?
Cần nhanh chóng thanh kiểm tra, minh bạch nguồn gốc đất
Mới đây, ông Trần Văn Ân cùng các con, cháu sống trên đất số 02, tổ 07, Khu phố 1, phường Bình Hưng Hòa đã có đơn kêu cứu khẩn cấp gửi Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch UBND quận Bình Tân,…
Ông Ân và vợ cho biết đã sinh sống, canh tác trên đất trên 20 năm qua. |
Đại diện cho 30 con người, ông Ân cho biết mình là con trai của ông Trần Văn Hy, người 3 lần được Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam tặng Huân chương kháng chiến Hạng nhất, Hạng nhì và Hạng ba từ năm 1986.
Theo đơn ông Ấn trình bày, năm 1990, ông Ân từ quê nhà An Giang lên TP Hồ Chí Minh sinh sống, làm công cho một người Đài Loan đã mua đất của nhiều người dân để làm dự án.
Năm 1992, ông Ân và gia đình có khai phá thêm một lô đất để trồng rau, trái cây để phục vụ sinh hoạt.
Năm 1995, khi người chủ về nước đã giao cho ông Ân trông coi, quản lý, sử dụng, khai thác thửa đất.
Năm 2003, chính quyền có thông báo về kê khai đất, nhưng do hiểu biết có hạn nên ông Ân trình bày đất không có giấy tờ (vì ông chủ về Đài Loan mang theo hết giấy tờ), nên ông Ân không được làm thủ tục kê khai.
Giai đoạn 2004-2005, có vài người tự xưng là chủ đất và yêu cầu ông trả lại, ông báo với chính quyền và được chính quyền hỗ trợ, ngăn chặn.
Năm 2007, có người tên Trương Nhật Lệ không rõ vì sao lại có GCNQSDĐ và tới đòi đất, khởi kiện ông Ân ra tòa. Sau đó, người tên Trương Nhật Lệ rút đơn mà không rõ lý do.
Huân chương kháng chiến do Chủ tịch Trường Chinh ký mà ông Ân gìn giữ như báu vật. |
Ông Ân và gia đình vẫn sống và canh tác trên đất, nhưng thửa đất khoảng 27.000 m2 của chủ người Đài Loan giao lại đã bị "cô Lệ chiếm giữ 12.000 m2 tôi đang canh tác để cho người khác thuê" (?!).
Từ đó, gia đình ông Ân đã liên tục bị lập biên bản công trình vi phạm, ra quyết định cưỡng chế vì xây không phép. "Họ không cho chúng tôi xây dựng sửa chữa mặc dù nhà cấp 4 đã xuống cấp, dột nát...", ông Ân viết.
Và gần nhất, ngày 21/11/2018, gia đình ông Ân lại được mời lên thông báo cưỡng chế. Phường lấy Quyết định đã cũ ngày 22/08/2017 với nội dung: “Cưỡng chế phá dỡ công trình vi phạm trật tự đô thị” và thông tin việc có mạnh thường quân cho gia đình 30 người một căn chung cư.
Thêm nữa, liên tục những ngày qua, công an phường xuống kiểm tra hộ khẩu (lúc 11-12 giờ khuya) khiến gia đình ông hoang mang tột độ.
Quyết định cưỡng công trình vi phạm trật tự xây dựng của UBND phường Bình Hưng Hòa. |
Vẫn biết UBND quận Bình Tân tổ chức ra quân cưỡng chế, cũng có ý nghĩa trong việc đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật.
Tuy nhiên, UBND quận Bình Tân cũng nên gấp rút rà soát nguồn gốc đất, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hộ ông Trần Văn Ân, nếu gia đình ông đã sinh sống, khai phá, canh tác, quản lý sử dụng đất ổn định, lâu dài. Đồng thời, việc minh bạch về nguồn gốc đất cũng giúp sáng tỏ thông tin về người tên Trương Nhật Lệ bị tố "chiếm giữ 12.000 m2 tôi đang canh tác", để có hướng cưỡng chế thu hồi cho người có quyền sử dụng hợp pháp, hoặc để không làm hàm oan cho người tên Trương Nhật Lệ.
Và đặc biệt, ở hoàn cảnh ông Trần Văn Ân và người thân hiểu biết pháp luật hạn chế, thì việc UBND quận Bình Tân nhanh chóng tổ chức thanh kiểm tra, hoặc kiến nghị Sở TNMT, Thanh tra TP Hồ Chí Minh,... vào cuộc thanh kiểm tra, minh bạch nguồn gốc đất, sẽ tránh việc có kẻ gian trục lợi, gây khiếu nại tố cáo kéo dài, ảnh hưởng tới an ninh trật tự địa phương.
Tieudung.vn sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.
Chính Trực - Thiện Tâm