Ngày 7/4, tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 5 HĐND TP Hồ Chí Minh khóa X, Phó Chủ tịch UBND TP Phan Thị Thắng đã báo cáo Tờ trình về việc triển khai dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 – TP Hồ Chí Minh.
Theo đó, dự án đường Vành đai 3 có chiều dài khoảng 76,34 km đi qua TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương và Long An; được đầu tư xây dựng với bốn làn xe cao tốc hạn chế, đường song hành mỗi bên 2-3 làn xe.
Dự án được đầu tư công từ nguồn vốn ngân sách trung ương và ngân sách địa phương với tổng mức đầu tư khoảng 75.377 tỷ đồng, trong đó, chi bồi thường, tái định cư cho các hộ dân bị giải toả là 41.589 tỷ đồng.
Vành đai 3 TP HCM (đường màu đỏ) chạy qua TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương và Long An. (Nguồn ảnh: Bản đồ định hướng phát triển không gian TP Hồ Chí Minh đến năm 2025).
TP dự tính việc chuẩn bị đầu tư dự án, giải phóng mặt bằng từ nay đến năm 2024. Năm 2025, việc thi công tuyến đường cơ bản hoàn thành, thông xe toàn tuyến trước khi hoàn thiện năm 2026. Trong tổng vốn đề xuất, TP dự kiến bố trí gần 19.500 tỷ đồng ở giai đoạn 2021-2025, hơn 4.500 tỷ đồng giai đoạn 2026-2030.
Làm rõ khả năng cân đối vốn từng giai đoạn, UBND TP cho biết, giai đoạn 2021-2025, đã trình Bộ Chính trị, Chính phủ phương án đề xuất Quốc hội cho phép phát hành trái phiếu Chính phủ cho các địa phương vay lại. Phần vốn vay lại của địa phương không tính vào kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được Quốc hội thông qua, mà trả nợ theo đề án phát hành trái phiếu Chính phủ. TP sẽ bố trí từ ngân sách địa phương cho phần vốn phát sinh tăng thêm (nếu có điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư dự án).
Về nguồn vốn giai đoạn 2026-2030, UBND TP đề xuất HĐND tiếp tục bố trí vốn ngân sách cho dự án trong kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn này với số vốn dự kiến 4.562 tỷ đồng (bao gồm phần vốn phát sinh nếu có).
Ngoài ra, tại kỳ họp, UBND TP cũng trình HĐND TP xem xét, thống nhất chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3, đoạn qua TP Hồ Chí Minh.
Cụ thể, diện tích rừng bị ảnh hưởng trong phạm vi của dự án là 16,82 ha thuộc địa bàn xã Phạm Văn Hai (huyện Bình Chánh) đã được UBND TP chấp thuận cho Công ty TNHH Một thành viên cây trồng TP quản lý, sử dụng.
Vành đai 3 được quy hoạch 11 năm trước, đi qua TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, tổng chiều dài gần 92 km. Hiện, toàn tuyến chỉ đoạn Tân Vạn - Bình Chuẩn, dài hơn 15 km, đi qua Bình Dương đã đầu tư 6 làn xe. Ngoài ra, trên đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch hiện dự án thành phần 1A kết nối tỉnh lộ 25B (Đồng Nai) đến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây (TP Thủ Đức), dùng vốn ODA sắp khởi công.
Công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư bắt đầu triển khai từ quý III/2022, hoàn thành vào quý IV/2024.
Đường Vành đai 3 được đánh giá mở ra hướng mới về phát triển đô thị cho các đô thị vệ tinh như Nhơn Trạch (Đồng Nai); khu đô thị Tây Bắc (Củ Chi, TP Hồ Chí Minh); khu đô thị Đức Hòa, Đức Huệ (Long An)... Từ đó, tuyến đường chia sẻ áp lực với khu vực nội đô của 4 địa phương, tác động tích cực không gian đô thị và phát triển đô thị bền vững.
Theo quy hoạch, TP Hồ Chí Minh có ba tuyến vành đai (2, 3, 4), tổng chiều dài 356 km. Đến nay, thành phố chỉ đưa vào khai thác được 71 km (vành đai 2 khoảng 55 km, vành đai 3 là 16 km). Riêng vành đai 4 chưa được đầu tư xây dựng.
Tình trạng đầu tư thiếu đồng bộ hệ thống đường vành đai TP như hiện nay đã trở thành điểm nghẽn phát triển kinh tế - xã hội của TP cũng như Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.