Thông báo lạ đời
Thông báo của BQL chung cư ký phát hành ngày 5/11, gửi các chủ sở hữu căn hộ về việc “Mở khóa cửa chính vào bên trong căn hộ để kiểm tra sửa chữa thiết bị báo cháy của hệ thống báo cháy trung tâm khu căn hộ”. Thông báo cho rằng được sự thống nhất của Ban Quản trị (BQT) chung cư, BQL sẽ tiến hành mở khóa chính căn hộ để phục vụ kiển tra thiết bị báo cháy bên trong căn hộ nhằm sửa chữa hoàn thiện hệ thống báo cháy trung tâm của khu căn hộ vào ngày 10/11.
Thông báo lạ đời của BQL chung cư Hoàng Anh Gold House. |
“Trước 17h ngày 9/11, BQL Hoàng Anh Gold House không nhận được bất cứ thông tin gì từ chủ hộ thì chúng tôi sẽ tiến hành thực hiện việc phá cửa. Trong quá trình vào bên trong, chúng tôi sẽ lưu trữ tất cả hình ảnh hiện trạng căn hộ trước và sau khi phá cửa. Chủ hộ vui lòng liên hệ với văn phòng BQL chung cư để được cung cấp thông tin”, thông báo nêu.
Về thành phần tham gia phá cửa căn hộ (nếu BQL không liên hệ được chủ hộ - PV), theo thông báo, gồm: Đại diện BQT, BQL, bảo vệ chung cư; Đại diện tổ dân phố, cư dân (chứng kiến); Nhà thầu thi công kiểm tra sửa chữa hệ thống báo cháy; Thợ khóa (mở khóa và đóng lại cửa sau khi sửa chữa xong).
Sau khi nhận được thông báo nêu trên, nhiều chủ sở hữu căn hộ trong chung cư đã phản ánh đến Báo Kinh tế & Đô thị. Vì nếu thông báo được thực hiện sẽ dẫn đến hành vi tự ý xâm nhập chỗ ở của người khác.
Sẽ gây nhiều “hệ lụy khó nói” về sau
Về việc mở cửa nhà người khác khi không có mặt chủ sở hữu, luật sư Trần Thị Ánh thuộc Văn phòng Luật sư Nguyễn Thanh Lương (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh), cho biết: “Tại điểm c khoản 3a Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC, quy định chủ hộ gia đình trách nhiệm phối hợp với cơ quan, tổ chức và hộ gia đình khác trong việc bảo đảm điều kiện an toàn về PCCC…”. Trong trường hợp này BQL chung cư Hoàng Anh Gold House cần xem xét lại thông báo ngày 5/11, có quá gấp không? Vì yêu cầu chủ hộ phải có ý kiến trước 17h ngày 9/11? Chưa kể thời gian phát hành và giao nhận, ví như chủ căn hộ vì lý do bất khả kháng như đi xa không về kịp, hoặc không thể nhận được thông báo nên không thể có mặt kịp thời để mở cửa hợp tác với đơn vị kiểm tra, sửa chữa hệ thống báo cháy thì sao”.
Đã từng xảy ra khiếu nại nhiều lần giữa chủ đầu tư chung cư Hoàng Anh Gold House với cư dân. |
Còn luật sư Nguyễn Hoài Nghĩa thuộc Công ty Luật Châu Đại Dương (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh), nhận định: “Tại điều 11 của quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư (ban hành kèm theo Thông tư 02/2016/TT-BXD ngày 15/2/2016 của Bộ Xây dựng), quy định về bảo trì nhà chung cư như sau: Hoạt động bảo trì nhà chung cư bao gồm việc kiểm tra, quan trắc, kiểm định chất lượng, sửa chữa nhỏ, sửa chữa định kỳ… trong đó có kiểm tra duy trì hệ thống an toàn PCCC. Chủ sở hữu căn hộ có trách nhiệm bảo trì phần sở hữu của mình và đóng góp kinh phí để thực hiện bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư. Việc bảo trì các hệ thống thiết bị của nhà chung cư phải do đơn vị có năng lực tương ứng với công việc bảo trì thực hiện. Trường hợp đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư có năng lực bảo trì thì có thể thuê đơn vị này thực hiện bảo trì. Trong trường hợp thông báo sẽ thuê thợ khóa để mở cửa căn hộ người khác, cho dù có cả ban bệ, nhưng nếu không có mặt của chủ sở hữu sẽ gây ra rất nhiều hệ lụy khó nói về sau”.
Thu hồi thông báo, dừng việc thực hiện
Sáng 8/11, trao đồi với phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị, ông Phan Đình Phượng (thành viên BQT chung cư Hoàng Anh Gold House), cho biết: “Chung cư có 1.039 căn hộ, hệ thống báo cháy tự động tại đây đã bị hỏng từ lâu. Cảnh sát Phòng cháy & Chữa cháy (PCCC) có vào kiểm tra và đã yêu cầu phải khắc phục gấp. BQT cũ đã ký hợp đồng với đối tác để sửa chữa, khắc phục và đã hoàn thành gần hết số hộ trong chung cư. Hiện chỉ còn 54 căn hộ, lâu nay BQL chung cư đã ra thông báo cũng như nhiều lần liên hệ với chủ sở hữu nhưng không được. Tại thông báo vừa rồi, BQL chỉ nghĩ đơn giản là thành lập một ban và sẽ mở cửa vào lập biên bản hiện trạng, kiểm tra rồi sửa chữa. Sau đó đi ra đóng cửa và sẽ để lại biên bản kiểm tra trong căn hộ. Tuy BQL có xin ý kiến của BQT, nhưng sau đó đọc nội dung thông báo thấy sai nên BQT yêu cầu thu hồi, dừng việc thực hiện phá cửa căn hộ để kiểm tra”.
Tự ý xâm nhập nhà người khác bị xử thế nào? “Tại điểm d khoản 1 điều 158 Bộ luật Hình sự 2015, quy định: Người nào tự ý xâm nhập chỗ ở của người khác mà không được sự đồng ý của chủ nhà hoặc người quản lý hợp pháp, thì bị cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm”, luật sư Trần Thị Ánh, cho biết. |