Tăng vốn và lùi thời gian hoàn thành
Như vậy tuyến metro số 2 (Bến Thành – Tham Lương) đã đội vốn từ 1,374 tỷ USD lên 2,173 tỉ USD, tăng thêm gần 800 triệu USD so với mức đầu tư ban đầu đã được phê duyệt năm 2010.
TP Hồ Chí Minh cũng đã đề nghị lùi thời hạn hoàn thành dự án tuyến metro số 2 vào năm 2024 thay cho năm 2018 nhằm để đảm bảo đủ thời gian hoàn thành dự án theo yêu cầu của thực tế.
Nguyên nhân đội vốn là do tác động từ yếu tố trượt giá, chi phí tài chính, xây dựng do thay đổi thiết kế cơ sở (tăng chiều dài các nhà ga ngầm, bổ sung khối lượng công trình kết nối với các tuyến metro số 5, 6…).
Tuyến metro số 2 là 1 trong 8 tuyến metro đã được phê duyệt với chiều dài toàn tuyến gần 20 km có hướng tuyến từ Bến xe Tây Ninh – Trường Chinh – Tham Lương – Cách Mạng Tháng Tám – Phạm Hồng Thái – Lê Lai - Bến Thành – Thủ Thiêm.
Sơ đồ toàn tuyến metro số 2 (màu vàng). Ảnh: Ban quản lý đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh. |
2 giai đoạn của tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương)
Giai đoạn một dài 11,3 km (Bến Thành - Tham Lương) đi qua các quận 1, 3, 10, 12, Tân Bình và Tân Phú. Trong đó có 9,3 km đi ngầm với độ sâu trung bình 18 m. Toàn tuyến có 10 ga ngầm và một ga trên cao, tổng vốn đầu tư được duyệt là hơn 1,3 tỷ USD (hơn 26.110 tỷ đổng) được hợp vốn từ 3 nhà tài trợ gồm: 540 triệu USD từ ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), 313 triệu USD từ ngân hàng Tái thiết Đức (KfW) và 195 triệu USD từ ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB).
Trước đó, tuyến dự kiến khởi động vào năm 2013. Tuy nhiên đến năm 2015, tức 2 năm sau phải điều chỉnh thiết kế và đội vốn lên tới 2,19 tỉ USD. Và đến nay, dự án vẫn chậm triển khai. Theo báo cáo gần đây của Ban quản lý đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh, dự kiến tháng 8/2018 mới hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng.
Trước đó, tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) cũng đã bị đội vốn gần gấp 3 lần so với tính toán ban đầu. Cụ thể vào tháng 4/2007, UBND TP Hồ Chí Minh đã phê duyệt dự án tuyến metro số 1 với tổng mức đầu tư khoảng 17.000 tỷ đồng. Đến năm 2009, tổng mức đầu tư dự án được đơn vị tư vấn của Nhật Bản cập nhật, tính toán lại lên mức khoảng 47.000 tỷ đồng. Trong đó, vốn vay ODA của Nhật Bản chiếm tới 88,4%, tương đương 41.834 tỷ đồng, còn lại là vốn đối ứng của Thành phố.