Thời gian tới, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường ảnh hưởng đến giá cả và nguồn cung xăng dầu cho thị trường thế giới và trong nước.
Do đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương thường xuyên theo dõi, nắm chắc tình hình thị trường xăng dầu thế giới và trong nước; tăng cường kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn, kịp thời điều chỉnh phân giao tổng nguồn xăng dầu phù hợp với tình hình thị trường. Chủ động có giải pháp từ sớm, từ xa và có phương án bù đắp nguồn cung xăng dầu phù hợp trong mọi tình huống.
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Internet)
Tuyệt đối không để xảy ra thiếu hụt, đứt gãy nguồn cung xăng dầu cho sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp.
Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu theo đúng quy định pháp luật, phù hợp với tình hình thị trường và bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
Giao nhiệm vụ cho Bộ Tài chính, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Công Thương và các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu xem xét, quyết định điều chỉnh các loại chi phí liên quan trong công thức tính giá cơ sở xăng dầu, bảo đảm kịp thời, đúng quy định của pháp luật và phù hợp với diễn biến thị trường xăng dầu.
Quyết liệt thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng và kết nối dữ liệu với cơ quan thuế đối với các cửa hàng bán lẻ xăng dầu theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ.
Ngoài các nội dung trên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam chủ động xây dựng phương án sản xuất, phân phối, điều tiết xăng dầu phù hợp, khoa học, hiệu quả; có phương án chuẩn bị nguồn hàng, kịp thời cung ứng xăng dầu cho các cửa hàng bán lẻ thuộc hệ thống phân phối của doanh nghiệp tại các địa phương nhằm cung ứng đủ xăng dầu cho thị trường.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp chặt chẽ với các Bộ: Công Thương, Tài chính chỉ đạo các cơ quan báo chí và phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam để thông tin chính thống, kịp thời, chính xác về việc cung ứng xăng dầu, các chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ và các bộ, ngành địa phương về bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường, tránh đưa tin thất thiệt gây hoang mang, bất ổn thị trường.
Các Bộ: Công Thương, Tài chính chủ động cung cấp thông tin kịp thời cho Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan báo chí theo quy định.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng các Bộ: Công Thương, Tài chính, Công an, Thanh tra Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Thủ trưởng các cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với hành vi đầu cơ găm hàng, buôn lậu xăng dầu, vi phạm quy định về kinh doanh xăng dầu, quy định về hóa đơn điện tử…