Thời gian qua, một số xã như Thanh An, Thanh Thủy của huyện Thanh Chương (Nghệ An) thời tiết nắng nóng khắc nghiệt khiến chè cháy sém đang làm bà con hết sức lao đao. Người trồng chè làm đủ cách để chống chọi cái nắng như "đổ lửa".
Được biết, trên địa bàn xã Thanh An có khoảng 135 ha đất trồng chè, là nguồn thu nhập chính của hơn 200 hộ dân nơi đây. Hàng năm cung ứng cho xí nghiệp chè Ngọc Lâm khoảng 18 tấn chè tươi.
Nắng nóng làm cây chè bị cháy sém hoặc chết... |
Anh Trần Văn Canh (thôn 2, xã Thanh An) chia sẻ: “Mấy năm gần đây đều xuất hiện nắng nóng với nhiệt độ cao. Ao hồ sông suối trên địa bàn đều cạn kiệt, không có nguồn nước để phục vụ tưới tiêu cho cây chè, khiến hầu hết diện tích đất trồng chè ở đây bị hư hại nặng. Nhẹ thì bị héo lá, nặng thì cháy sém hoặc chết”.
“Vì hạn hán nghiêm trọng nên từ đầu năm tới giờ nhà tôi chỉ mới thu hoạch được một lứa. Còn lại khoảng hơn 1 ha chè đều bị cháy sém nặng, khó có khả năng phục hồi. Lứa chè năm nay coi như mất trắng toàn bộ. Thấy nắng nóng không giảm, các hộ trồng chè ở đây ai cũng hoang mang”, anh Canh nhìn ra đồi chè nhà mình buồn bã nói.
Chị Nguyễn Thị Hoài, một hộ trồng chè nói: “Thấy chè bị chết cháy, héo lá ai cũng lo lắng. Nhưng rồi lo đâu thì để đó cũng chẳng làm gì được. Tại địa bàn chưa có hệ thống tưới tiêu, các ao hồ quanh đó đều cạn kiệt. Chúng tôi mong xã và huyện hỗ trợ đề xuất khoan giếng để phục vụ tưới tiêu, chứ để bà con tự lo thì chưa ai có đủ điều kiện để thực hiện”.
Trao đổi với anh Nguyễn Bá Văn - Đội trưởng đội sản xuất chè Ngọc Lâm, anh Văn cho biết: “Chè ở đây được thu mua với giá khoảng 3 triệu/tấn. Người dân quanh đây sống phụ thuộc vào cây chè. Trước tình hình chè bị cháy sém, Nhà nước cũng đã hỗ trợ 40% cho những hộ đầu tư máy bơm nước”.
Hậu quả này kéo theo người trồng chè thất thu và công nhân làm trong các Xí nghiệp, nhà máy không có việc làm. Và hơn hết là người trồng chè đang điêu đứng vì nhìn nhiều diện tích chè của gia đình chết cháy khó cứu vãn.
Hiện tại, các ngành chức năng vẫn chưa có biện pháp để khắc phục tình trạng chè chết cháy, cũng như hỗ trợ cho người trồng chè. Việc chè bị cháy sém đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân nơi đây.
Trong khi đó, tại Hà Tĩnh nắng nóng cũng khiến nhiều hộ trồng chè xót xa, nhìn vườn chè cháy sém, chắc chắn năm nay vụ thu hoạch sẽ càng khó khăn. Điển hình là các huyện miền núi như Vũ Quang, Hương Khê... nhiệt độ có thời điểm lên tới 40 độ C. Đặc biệt ở Hương Khê, hàng trăm hộ dân cùng hơn 200ha chè đến mùa thu hoạch đang dần khô héo. Trao đổi với ông Phạm Huy Tưởng - cán bộ phụ trách nông nghiệp xã Hương Trà cho hay: “Nhiều năm gần đây do biến đổi khí hậu toàn cầu gây nắng nóng cục bộ. Hương Khê là vùng miền núi, các sông suối chảy qua khá ít. Chỉ cần nắng nóng một thời gian thì đều cạn kiệt. Các hộ dân trồng chè ở địa bàn, hàng năm đều phải chịu một đợt hạn hán nghiêm trọng. Dựa vào nguồn vốn đầu tư nông thôn mới, xã đã hỗ trợ cho các hộ dân trồng chè mua máy bơm nước phục vụ tưới tiêu để chống hạn. Mỗi hộ dân được hỗ trợ khoảng 40% khi mua máy. Người dân sẽ chịu chi phí xăng dầu để vận hành máy móc cũng như việc tưới tiêu”. Người trồng chè đang đối mặt với một vụ mùa thất thu, nhà máy, xí nghiệp chè 20-4 cũng rất lo lắng về vấn đề nguyên liệu chè. Hàng năm nhà máy phải thu mua khoảng 500 tấn chè mới đủ nguyên liệu vận hành. Thế nhưng, 3 năm trở lại đây do thời tiết cực đoan, các nhà máy luôn trong tình trạng thiếu nguyên liệu để vận hành. “Đối diện với nắng nóng khắc nghiệt, chúng tôi đã trích một phần kinh phí nhỏ để hỗ trợ các hộ dân mua máy móc, thiết bị tưới tiêu. Hiện trên địa bàn xã còn đập Tiền Phong khá nhiều nước, nhưng lại cách khá xa đồi chè. Xí nghiệp cũng đã hỗ trợ thêm hơn 400m đường ống dẫn nước tưới tiêu, nhưng xem ra cũng không ăn thua”, ông Nguyễn Văn Hòa - Phó giám đốc xí nghiệp chè 20 – 4 nói. |