Thông tư số 33/2017/TT-BTNMT ban hành ngày 29/9/2017 có hiệu lực từ ngày 5/12/2017, có một số điểm được rất nhiều người quan tâm. Trong đó đặc biệt là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) ghi thêm tên các thành viên trong gia đình. Dư luận bàn tán nhiều hơn sau khi một vị Giáo sư phát biểu trên báo Lao Động ra ngày 22/11/2017 cho rằng nhà lập pháp không hiểu luật khi ban hành thông tư này. Liệu ý kiến của vị Giáo sư - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Mội trường có chính xác hay không? Hay chỉ là chỉ trích phiếm diện thiếu tinh thần khoa học pháp lý?
Luật sư Trần Đình Dũng cho rằng "Vị giáo sư này đã có sự nhầm lẫn nội dung của Thông tư số 33/2017/TT-BTNMT". |
Phát biểu trên báo Lao Động (được nhiều tờ báo mạng khác dẫn lại) vị Giáo sư này diễn giải lý do không nên ghi tên thành viên là con cái vào sổ đỏ vì: “Bởi lẽ đối với con cái trong gia đình thì trong bộ luật dân sự đã nói về quyền thừa kế. Con cái được nhận thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật, con cái không có công đóng góp vào tài sản chung của bố mẹ nên không thể ghi vào là chủ tài sản.”. Vị Giáo sư giải thích thêm về hộ gia đình là “Nói hộ gia đình ở đây có nghĩa là hai người chủ hộ tương đương nhau là vợ và chồng. Hai người chủ của gia đình xác định quyền của mình đối với con cái, nếu con cái thực sự có đóng góp vào tài sản chung đó thì phải có sự xác thực của 2 chủ hộ. Liệu chúng ta có thể làm được điều đó không? Và xác định sự đóng góp đó bằng cách nào?”.
Mới đọc qua bài báo, nhiều người không rõ đã vội vàng ý kiến trên các diễn đàn như rằng việc ghi thêm tên các thành viên là “không hiểu luật dân sự”, là “gây rối rắm”, là “viết lằng nhằng vào sổ đỏ”… Nhưng thực ra, chúng ta đọc kỹ Thông tư số 33/2017/TT-BTNMT thì tinh thần pháp lý hoàn toàn khác, không như ý kiến của Giáo sư này.
Thông tư số 33/2017/TT-BTNMT hướng dẫn sửa đổi bổ một số điều khoản về thi hành luật đất đai. Trong đó, tại Chương 3 Điều 6 Khoản 5 (sửa đổi Điểm c Khoản 1 Điều 5 của Thông tư số 23/2014/TT-BTNMT) qui định “Hộ gia đình sử dụng đất thì ghi “Hộ gia đình, gồm ông” (hoặc “Hộ gia đình, gồm bà”), sau đó ghi họ tên, năm sinh, tên và số giấy tờ nhân thân của chủ hộ gia đình…” và “Dòng tiếp theo ghi “Cùng sử dụng đất, cùng sở hữu tài sản gắn liền với đất (hoặc Cùng sử dụng đất hoặc Cùng sở hữu tài sản) với … (ghi lần lượt họ tên, năm sinh, tên và số giấy tờ nhân thân của những thành viên còn lại trong hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất).”. Tức ngoài chủ hộ ra, sổ đỏ còn ghi tên các thành viên khác trong hộ.
Thêm tên các thành viên trong gia đình vào sổ đỏ, nguyên Thứ trưởng không nên nhầm lẫn! |
Luật đất đai qua các thời kỳ đều có phân định quyền sử dụng đất (loại đất nông nghiệp) cá nhân, tổ chức, hộ gia đình. Từ trước tới nay, đối với loại đất của hộ gia đình, trên giấy chứng nhận chỉ ghi “hộ ông Nguyễn Văn A”. Khi giao dịch quyền sử dụng loại đất này buộc phải kèm theo sổ hộ khẩu (hoặc xác nhận hộ khẩu của cơ quan công an) để xác định thành viên trong hộ và tất cả các thành viên đều phải ký vào văn bản giao dịch như thế chấp, sang nhượng… Nếu thành viên nào đã chết thì phải kê khai di sản đối với các thừa kế của thành viên đó theo qui định của pháp luật dân sự. Trong thực tế, việc chuyển khẩu, đổi sổ hộ khẩu mới… thường hay xảy ra. Cho nên khi giao dịch chủ thể phải thực hiện một thủ tục hành chính cộng thêm là “xác nhận hộ khẩu” thời điểm cấp sổ đỏ.
Nhằm để đơn giản hơn thủ tục cho người sử dụng đất, đồng thời hòa chung với xu thế bãi bỏ sổ hộ khẩu, ban soạn thảo Thông tư số 33/2017/TT-BTNMT đã sửa đổi phần ghi loại đất hộ thêm tên các thành viên trong hộ. Chúng ta lưu ý là chỉ loại đất của hộ gia đình mà thôi và loại đất này chiếm tỷ lệ rất ít so với đất cá nhân, đất của vợ chồng. Đối với loại sổ đỏ của vợ chồng, của cá nhân thì như cũ, không ghi thêm tên ai khác vào. Rõ ràng việc thay đổi này là rất tiến bộ, minh bạch và khỏi bị thủ tục xác nhận hộ khẩu “hành người dân”.
Có lẽ Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường nhầm lẫn việc ghi tên thêm thành viên vào cả loại sổ đỏ cấp cho cá nhân, cấp cho vợ chồng khi phát biểu nêu ra các vấn đề thừa kế, công sức con cái đóng góp vào tài sản của cha mẹ… Từ nhầm lẫn này mà Nguyên Thứ trưởng kết luận “Tôi cho rằng những người đề xuất chuyện này không có hiểu biết gì về pháp luật dân sự”!
Tôi cho rằng, với cương vị là Giáo sư - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường thì không nên phát biểu trên báo chí khi chưa đọc kỹ để hiểu rõ tinh thần pháp lý của Thông tư số 33/2017/TT-BTNMT, gây nhầm lẫn đáng tiếc về mặt dư luận cho một số người dân.
Luật sư Trần Đình Dũng
(Trung tâm tư vấn pháp luật TP HCM – Trung ương Hội luật gia Việt Nam)