Công nhân Tổng Công ty Điện lực miền Nam gắn điện cho đồng bào dân tộc tại tỉnh Sóc Trăng. |
Thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật
Chiều nay 24/5, tại trụ sở Thanh tra Chính phủ (TTCP), ông Bùi Ngọc Lam, Phó tổng TTCP đã chủ trì buổi công bố quyết định kiểm tra việc tăng giá điện theo quyết định 390 của Thủ tướng Chính phủ. Dự buổi công bố quyết định thanh tra có đại diện Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cùng một số đơn vị liên quan.
Công tác thanh tra sẽ tập trung vào việc chấp hành các quy định pháp luật trong việc điều chỉnh mức giá bán lẻ điện thời điểm ngày 20/3, phương pháp tính giá, việc thu tiền điện thời gian. Đoàn kiểm tra gồm đại diện của các cơ quan thuộc TTCP, Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương), Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính)...
Trước đó do dư luận có nhiều bức xúc về việc EVN có kế hoạch tăng giá điện bất hợp lý nên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo TTCP chủ trì và phối hợp Bộ Tài chính, Bộ Công thương và các đơn vị liên quan làm rõ đúng, sai việc điều chỉnh mức giá bán điện; đồng thời báo cáo Thủ tướng trong tháng 6/2019.
Còn theo báo cáo của Bộ Công thương giải trình với Thủ tướng, cho rằng việc tăng 8,36% giá bán lẻ điện là thực hiện đúng chủ trương, chính sách của Chính phủ về điều chỉnh giá bán lẻ điện.
Đại biểu Quốc hội Lê Thu Hà (bên trái) tranh cãi về cách tính giá điện với Chủ tịch EVN |
Về vấn đề tăng giá điện, luật sư Trần Đình Dũng (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh), nhận định việc tăng giá điện không phù hợp với Luật Điện lực về chính sách giá điện. Theo quy định pháp luật, tăng giảm giá điện đều do phía EVN đề xuất và Bộ Công thương phê duyệt. Theo đó tăng giảm thế nào phải nằm trong nguyên tắc là đơn vị phục vụ chứ không phải thuần túy khai thác kinh doanh.
Tăng giá phải phụ thuộc vào bối cảnh xã hội
“Ý nghĩa của đầu tư phát triển điện lực được Luật Điện lực 2004 (sửa đổi bổ sung năm 2012) nêu rõ tại điều 4, như sau: Phát triển điện lực bền vững trên cơ sở khai thác tối ưu mọi nguồn lực, đáp ứng nhu cầu điện năng phục vụ đời sống nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội với chất lượng ổn định, an toàn và kinh tế, dịch vụ văn minh, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh và an ninh năng lượng quốc gia. Qua đó cho thấy, việc tăng giá điện tùy vào bối cảnh đời sống xã hội, chứ không phải phụ thuộc vào tình hình kinh doanh của EVN”, luật sư Trần Đình Dũng, nói.
Luật sư Trần Đình Dũng: Tăng giá điện không phù hợp với luật điện lực về chính sách giá điện. |
Cũng theo luật sư Dũng, để cụ thể hóa chính sách về giá điện, tại điều 30 “Căn cứ lập và điều chỉnh giá điện” còn quy định giá điện được điều chỉnh phải căn cứ vào thu nhập của người dân trong từng thời kỳ. Vì vậy EVN lập phương án trình tăng giá cần phải dẫn số liệu thu nhập đầu người của toàn quốc gia tăng giảm ra sao, chứ không phải tùy tiện đánh giá chung chung rồi kết luận cần tăng giá điện.
“Theo các số liệu thống kê mấy năm trở lại đây, thu nhập bình quân đầu người toàn quốc tăng không đáng kể. Trong khi mức tính tăng giá điện so với mức cũ có những mức điện theo cách tính 6 bậc kiểu mới, tăng đến 25%. Tôi cho rằng giá như thế là tăng quá cao không tương xứng với thu nhập của người dân hầu như tăng rất thấp trong mấy năm gần đây. Có thể nói, tăng giá điện như hiện nay là không phù hợp với Luật Điện lực về chính sách giá điện”, luật sư Dũng khẳng định.