Theo một lãnh đạo thành phố Uông Bí, việc chấm dứt hoạt động của các lò vôi được tính theo lộ trình đúng theo Quy hoạch phát triển công nghiệp vôi đến năm 2020. UBND thành phố Uông Bí phối hợp với Sở Xây Dựng tổ chức kiểm tra hiện trạng sản xuất, tuyên truyền đối thoại với các chủ cơ sở về các kế hoạch xóa bỏ lò vôi thủ công. Cụ thể đối với 520 lao động thường xuyên sẽ hỗ trợ 3,3 triệu đồng x 3 tháng lương tối thiểu vùng; đối với 130 lao động không thường xuyên sẽ hỗ trợ 1,5 tháng lương tối thiểu vùng 3,3 triệu đồng x 1,5 tháng lương. Đây là hình thức hỗ trợ trực tiếp bằng tiền để người lao động thực hiện chuyển đổi nghề nghiệp.
Đối với các chủ lò chủ động phá dỡ lò trước 31/12/2017 được hỗ trợ 150% (30.000 đồng/tấn/năm. Trước ngày 30/6/2018 hỗ trợ 100% (20.000 đồng/tấn/năm); trước ngày 31/12/2018 hỗ trợ 50% (10.000 đồng/tấn/năm). Nguồn kinh phí được lấy từ ngân sách thành phố.
![]() |
Dự kiến cuối năm 2018 thì việc hoạt động thủ công của các lò vôi này sẽ được chấm dứt. |
Tuy nhiên cho đến hiện tại, việc dừng hoạt động của các lò vôi cũng gặp không ít khó khăn. Do các hộ gia đình tự đầu tư sản xuất hoạt động tự phát nên họ phải vay vốn ngân hàng để xây lò. Trong khi đó phải thừa nhận rằng các lò vôi đang tạo cho gần 1.000 lao động phổ thông với mức lương từ 5 – 6 triệu đồng/tháng. Nên việc chấm dứt hoạt động của các lò vôi sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập, đời sống của lao động cũng như vốn vay của các chủ lò vôi với ngân hàng.
Một phần khó khăn nữa là việc chuyển đổi mô hình sản xuất vôi theo công nghệ cao do vốn đầu tư lớn nên các cơ sở chưa có khả năng đầu tư, họ cũng không có khả năng chuyển đổi hoạt động sang mô hình khác được. Đối với người lao động đa phần có trình độ chuyên môn thấp, tuổi cao nên chuyển đổi nghề nghiệp là vô cùng khó khăn.
Trao đổi với PV về vấn đề nêu trên, ông Đặng Duy Thịnh – Chủ tịch UBND phường Phương Nam cho biết: “Do địa bàn phường là nơi có nhiều lò vôi hoạt động nhất hiện nay nên công tác tuyên truyền tới người dân đã được chính quyền các cấp thực hiện liên tục. Đa phần các chủ lò vôi đều đã nắm được lộ trình dừng hoạt động và ủng hộ. Dự kiến cuối năm 2018 thì việc hoạt động thủ công của các lò vôi này sẽ được chấm dứt. Về cơ chế, chính sách UBND phường tổ chức họp công khai tới từng hộ. Tuy nhiên để các hộ thực hiện di dời 100% thì vẫn mong có sự ủng hộ của UBND tỉnh như cần hỗ trợ sâu hơn về chuyển đổi nghề cho các cơ sở và tư vấn, đào tạo nghề cho lao động trong độ tuổi lao động. Quan tâm chỉ đạo triển khai và thực hiện các quy hoạch chiến lược như các khu công nghiệp công nghệ cao. Đề nghị UBND tỉnh quan tâm đến việc phát triển doanh nghiệp, tổ hợp tác, HTX và các mô hình sản xuất đảm bảo theo quy hoạch. Hỗ trợ vốn vay, ưu đãi cho người lao động”.