Chiều 27/6, Bộ GTVT tổ chức rà soát các công trình trọng điểm của ngành giao thông. Tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu sớm Ban quản lý dự án đường sắt tiến hành chạy thử đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông theo đúng kế hoạch.
"Dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông có nhiều hạng mục chậm tiến độ. Cụ thể là việc hoàn thành nhà ga, kết nối, quy trình nghiệm thu, phối hợp của các đơn vị liên quan, chuẩn bị kiểm định vận hành an toàn hệ thống…", Bộ trưởng Thể nói.
Tháng 8/2018, chạy thử tàu Cát Linh - Hà Đông.
Đến nay, vốn bổ sung 250 triệu USD đã được khơi thông nhưng tiến độ giải ngân chậm. Do đó Bộ trưởng Thể yêu cầu Ban quản lý dự án đường sắt phải làm việc với nhà thầu để 15/7 phải đưa điện lưới quốc gia kết nối với hệ thống vận hành tàu. Đến cuối tháng 7, đầu tháng 8, nhà thầu phải đóng điện xong cho các đoàn tàu và tiến hành chạy thử.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng yêu cầu Ban quản lý dự án đường sắt phối hợp với Hà Nội rà soát lại chuyên gia, cán bộ, nhân viên đã được đào tạo để khi hoàn thiện vận hành trơn tru, hiệu quả cao tuyến đường sắt này.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chỉ đạo các đơn vị của Bộ GTVT chuẩn bị cho việc nghiệm thu cấp Nhà nước đối với dự án; cũng như phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng của Hà Nội trong xây dựng quy trình vận hành, kết nối giao thông.
Trước đó, vào cuối tháng 3/2018, xuất hiện một số thông tin cho rằng tiến độ dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông lại một lần nữa vỡ kế hoạch, phải lùi lại đến năm 2021. Thông tin này khiến nhiều người thất vọng bởi dự án đã lùi tiến độ và đội vốn nhiều lần.
Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông dài 13 km, gồm 12 nhà ga: Cát Linh, La Thành, Thái Hà, Láng, Thượng Đình, Vành đai 3, Phùng Khoang, Văn Quán, Hà Đông (bến xe Hà Đông cũ), La Khê, Văn Khê, Yên Nghĩa (bến xe khách Yên Nghĩa). Tại các nhà ga có bố trí các thiết bị hiện đại như thang máy (phục vụ người khuyết tật), thang cuốn (chiều lên nhà ga), thang bộ (chiều từ nhà ga đi xuống).
Dự án thực hiện từ tháng 11/2008 và ban đầu dự kiến đến tháng 11/2013 hoàn thành, với tổng mức đầu tư hơn 552 triệu USD. Tuy nhiên, với tiến độ chậm, đến tháng 10/2011, dự án mới chính thức triển khai. Trong đó, vốn vay Trung Quốc là 419 triệu USD, vốn đối ứng Việt Nam là 133,86 triệu USD.
Đến năm 2016, dự án được điều chỉnh tổng mức đầu tư là 868,04 triệu USD (tăng 315,18 triệu USD). Trong đó, phần vốn vay Trung Quốc là 669,62 triệu USD, vốn đối ứng Việt Nam là 198,42 triệu USD. Phần vốn vay Trung Quốc tăng thêm 250 triệu USD so với trước đây.