Sáng 6/1, Hội thảo quốc tế “Phát triển Chuỗi giá trị nông nghiệp hội nhập thị trường quốc tế và thực hiện mô hình điểm Tây Ninh” do Bộ NN&PTNT phối hợp với UBND tỉnh Tây Ninh chủ trì, Viện Kinh tế Nông nghiệp hữu cơ, Tạp chí Nhà Quản Lý tổ chức, diễn ra tại tỉnh Tây Ninh.
Hội thảo có sự tham dự của hơn 500 đại biểu đến từ các doanh nghiệp, đại diện lãnh đạo các sở ban ngành của trung ương và địa phương, hơn 30 đoàn quốc tế, đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Ấn Độ… cùng hơn 50 phóng viên đến từ các cơ quan báo chí.
Ông Trần Lưu Quang bí thư tỉnh ủy tỉnh Tây Ninh cho biết, hội thảo được tổ chức nhằm kết nối các nguồn lực trong và ngoài nước để hình thành chuỗi giá trị nông nghiệp công nghệ cao theo định hướng thị trường. Đây là địa phương đầu tiên trong cả nước được Bộ NN-PTNT chọn làm mô hình điểm.
Tây Ninh có khí hậu thổ nhưỡng nguồn nước rất thuận lợi để phát triển nông sản nhiệt đới có giá trị, quy mô lớn. Lượng nước tại hồ Dầu Tiếng đủ cung cấp cho 47.000ha đất canh tác. Giá trị ngành nông nghiệp những năm gần đây chiếm gần 30% GDP trong nền kinh tế của tỉnh, giá trị sản phẩm trồng trọt bình quân 85,5 triệu đồng/ha.
Trước yêu cầu đưa nền sản xuất nông nghiệp tiến tới an toàn hiệu quả và phát triển bền vững tỉnh đã có nhiều chính sách thiết thực dành cho nông nghiệp như dành 1.800ha đất để phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp kiểu mẫu theo chuỗi giá trị sản xuất, ứng dụng công nghệ cao. Tỉnh chỉ đạo các ban ngành rà soát ban hành cơ chết, tạo hành lang pháp lý hỗ trợ cho nông dân sản xuất, đẩy mạnh đào tạo phát triển nhân lực.
Phát biểu tại hội thảo ông Nguyễn Văn Bình - Ủy viên Bộ chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương - đánh giá cao nỗ lực của tỉnh trong việc tái cơ cấu nông nghiệp định hướng phát triển theo chuỗi giá trị ứng dụng công nghệ, chủ động học hỏi các mô hình trong nước và thế giới thu hút được nhiều nguồn lực tạo đầu ra cho nông sản phát triển hội nhập quốc tế.
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đề nghị Bộ NN & PTNT tổ chức các nguồn lực hỗ trợ Tây Ninh, đặc biệt là các chính sách vay vốn ưu đãi. Ông đề nghị, tỉnh phải thường xuyên tập huấn, đôn đốc, kiểm tra cán bộ các cấp để tạo sự đồng thuận, thống nhất toàn tỉnh từ lãnh đạo đến cán bộ cơ sở nâng cao sự quản lí để phát triển nông nghiệp theo mô hình bền vững. Đồng thời tỉnh cũng cần phải tổ chức truyền thông hiệu quả, thu hút thêm nguồn lực đầu tư để nhân rộng mô hình và phát triển chuỗi giá trị đến các địa phương khác.
Theo phép tính của dự án này, sau 5 năm triển khai “mô hình kinh tế” nông nghiệp theo hướng phát triển chuỗi giá trị hội nhập sâu rộng thị trường thế giới, GDP của nông nghiệp tỉnh Tây Ninh cán mốc 8 tỷ đô la và thu nhập nông dân từ 1,5 nghìn đô la/năm thành 5 nghìn đô la/ năm.
Các doanh nghiệp các nhà đầu tư nước ngoài cùng các bộ ngành kết nối hợp tác trong chương trình phát triển nghiệp sạch nông nghiệp xanh tại tỉnh Tây Ninh. |
Tại hội thảo, các nhà đầu tư quốc tế ký kết đầu tư hơn 1 tỷ USD, và doanh nghiệp trong nước đầu tư 15.000 tỷ đồng cho chương trình làm nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao của Tây Ninh.