Nếu đề xuất của ACV được chấp thuận, hành khách sẽ phải chịu chi phí cao hơn khi đi máy bay. |
Theo đó, liên quan trực tiếp đến hành khách là phí sân bay nội địa được đề xuất tăng từ 70.000 đồng/người lên 100.000 đồng/người, từ ngày 1-1-2017. Mức điều chỉnh liên quan đến các hãng hàng không là giá cất - hạ cánh quốc nội, giá dịch vụ sân đậu, máy bay tại các sân bay căn cứ.
ACV cũng cho biết chi phí đầu tư và khai thác cho mỗi vị trí sân đậu máy bay lên đến 4,57 tỉ đồng/năm nhưng chỉ thu được từ các hãng hàng không trong nước 162-192 triệu đồng/máy bay nên không có khả năng thu hồi vốn đầu tư.
Bên cạnh đó, ACV cũng đề xuất bổ sung thu dịch vụ bảo đảm an ninh hàng không đối với xe nạp nhiên liệu, xe suất ăn…
Lý do để ACV xin tăng giá là để có khả năng thu hồi vốn đầu tư, tiếp tục đầu tư đáp ứng sản lượng tăng quá nhanh của các hãng hàng không và tạo sức hấp dẫn thu hút nhà đầu tư rót vốn vào các cảng địa phương.
Một lý do khác là nhà nước bù chi phí đầu vào cho các hãng hàng không trong nước thông qua việc ưu đãi giá dịch vụ hàng không quốc nội và ACV là đơn vị cung ứng dịch vụ nên phải gánh chịu trực tiếp khoản bù chi phí này.
Với những ưu đãi trên, kết hợp với giá xăng dầu giảm mạnh, sản lượng hành khách nội địa tăng cao trong thời gian dài nên các hãng hàng không được hưởng nhiều lợi ích.
Từ đó cạnh tranh giảm giá vé máy bay làm méo mó thị trường vận tải chung, tác động tiêu cực đến sự phát triển và gây lãng phí cho các ngành đường sắt, đường bộ. Cùng trên tuyến đường Hà Nội - TP HCM, giá vé của Jetstar Pacific và Vietjet chỉ 865.000 đồng/vé/lượt, trong khi vé đường sắt từ 1,033-1,5 triệu đồng/vé/lượt.
Theo các chuyên gia kinh tế, lý do đề xuất tăng giá của ACV chưa thuyết phục. ACV không có chức năng để nhận định các hãng hàng không giảm giá vé thấp hơn giá vé của đường sắt làm méo mó thị trường vận tải và là nguyên nhân để tăng giá đầu vào hàng không.
Và cũng không có lý do gì để giá hàng không cứ phải cao hơn giá đường sắt? Hơn nữa việc bán vé giá thấp của các hãng hàng không không phải chỉ do trả phí dịch vụ sân bay thấp mà là tác động của nhiều yếu tố, trong đó lớn nhất là hưởng lợi của giá xăng dầu, quản trị doanh nghiệp và quan trọng là cạnh tranh. Các doanh nghiệp độc quyền luôn muốn tăng giá nhưng nếu ai cũng tăng thì chết người tiêu dùng.
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Nhật, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, cho biết chưa nhận được kiến nghị của ACV. “Đúng là hệ thống giá dịch vụ hàng không nội địa có loại 10 năm nay không tăng, ngân sách nhà nước không thể bù lỗ mãi. Tuy nhiên, đây là giá đầu vào của vận tải hàng không nên Bộ sẽ xem xét thận trọng đề xuất này và không làm ảnh hưởng lớn đến thị trường hàng không” - ông Nhật nói.
Năm 2014, ACV cũng đã đề nghị tăng phí hàng không và đã được Bộ chấp nhận.