Để tìm hiểu những “mánh khóe” kiếm tiền của các tài xế xe ôm công nghệ, người viết nhập vai một sinh viên đăng ký chạy xe ôm công nghệ, kiếm thêm tiền trang trải cuộc sống. Ngay trong những ngày “học hỏi”, nhờ chịu khó lân la, PV được các tài xế “quái kiệt” chia sẻ nhiều kinh nghiệm “bào tiền” của các ứng dụng có đầu tư nước ngoài, “vì bọn nó…nhiều vốn nên thường “khuyến mãi bất chấp”.
Tài xế công nghệ - Ngàn lẻ chiêu trò “móc tiền thưởng”. |
Từng bị một ứng dụng công nghệ khác khóa aap vì chạy song song 2 hãng và vi phạm quy định ứng xử, tài xế Nguyễn Thiên Khôi (42 tuổi, ngụ quận 8) mách nước: “So với các hãng xe công nghệ khác thì Go-Viet mới ra đang thu hút tài xế nên khuyến mãi khủng, mỗi ngày chạy tích được 13 điểm sẽ nhận thưởng 20.000 đồng. Để nhanh đạt điểm thưởng, cứ nhờ hành khách đặt “cuốc rỗng”, tạo “cuốc ảo”, không cần chạy vẫn được nhận tiền. Ứng dụng mới này cũng do nước ngoài đầu tư, mới triển khai tại TP.HCM quản lý chưa chặt chẽ nên tranh thủ mà kiếm “tiền chùa”. Sau này họ thay đổi chính sách thì tính tiếp. Giờ nhiều hãng xe đua nhau ra đời cạnh tranh nên không chạy hãng này mình chạy hãng khác. Họ cần mình, nên thủ tục đăng ký cũng không khó khăn như trước đây đâu”.
Khi PV thắc mắc về “cuốc rỗng”, “cuốc ảo” thì được giải thích, đó là cuốc xe nhờ đặt, không có người đi thật nhưng tài xế vẫn được tính là có nhận cuốc để đếm số cuốc, nhận thưởng.
Theo ghi nhận của PV, tại TP.HCM, rất nhiều hành khách đi xe khi được tài xế nhờ đặt “cuốc ảo” cũng tỏ ra khá lúng túng và bất ngờ. Chị Trần Thị Tuyết (42 tuổi ngụ quận 3, TP.HCM) kể: “Hôm trước, đặt cuốc xe từ chỗ làm về nhà đang có chương trình khuyến mãi của một nhà cung cấp mới nên giá chỉ 5.000 đồng. Tuy nhiên, sau đó, tài xế nhờ đặt tiếp một cuốc xe nữa với lý do để đủ điểm tích lũy nhận tiền thưởng”.
Trò chuyện với PV, ông Đặng Văn Chương (56 tuổi, ngụ quận 7), một bác tài có thâm niên chạy xe công nghệ cho biết, các chương trình khuyến mãi thường sẽ không kéo dài lâu và chỉ là cách để chiêu dụ tài xế đăng ký, “lấy số” là chính. Tài xế chỉ chăm chăm chạy theo chương trình khuyến mãi để “bào tiền thưởng” cũng thường là những tài xế không thực sự nghiêm túc với nghề và tranh thủ “làm ít hưởng nhiều”.
“Tôi chạy xe ôm công nghệ được hơn 3 năm nên cũng hiểu rõ, việc tung các chương trình khuyến mãi của hãng sẽ không kéo dài được lâu. Đây chỉ cách để chiêu mộ tài xế và thu hút hành khách thời gian đầu. Ngày trước Uber mới vào Việt Nam cũng vậy, sau một thời gian ưu đãi rất lớn nhưng chất lượng dịch vụ không cao, không cạnh tranh được, cuối cùng phải bỏ cuộc”, ông Chương nhấn mạnh.
Theo các bác tài có thâm niên như ông Chương thì bên cạnh việc tạo cuốc ảo bằng cách nhờ… khách đặt giùm, nhiều tài xế “quái kiệt” còn có “độc chiêu” là “hai tay hai app”, tức là vừa dùng app tài xế, vừa dùng app khách hàng… và tự book để lấy đủ số cuốc lĩnh thưởng.
Làm bài toán tự tính, với chương trình khuyến mãi 5km đầu đồng giá 5.000 đồng thì việc tự làm khách hàng, trả 5.000 đồng đối lấy 25.000 đồng tiền khuyến mãi thưởng cuốc trong vai tài xế thì quả là… “còn lời chán”. “Nhiều hãng thống kê lượng cuốc xe tăng rất nhanh thế thôi nhưng thực tế, có đến 80% là cuốc ảo, không đánh giá đúng thực tế nhu cầu sử dụng”, tài xế Nguyễn L.Q bỏ nhỏ.
Nhiều khách hàng sử dụng dịch vụ xe công nghệ quan ngại, việc các hãng xe khuyến mãi tiền thưởng để tài xế phục vụ chất lượng tốt hơn thì rất cần thiết. Tuy nhiên, nếu không giám sát chặt chẽ và để tài xế qua mặt, dùng các “chiêu trò” kiếm tiền thưởng chộp giật, chỉ chăm chăm “trục lợi” kiểu “ăn xổi, ở thì”, sẽ gây thất thoát về kinh tế cho nhà đầu tư và phát sinh tiêu cực theo chiều hướng khó lường, ảnh hưởng đến sự an toàn của người dùng.
Không ít các tài xế chạy xe chân chính cũng lo ngại vấn nạn “chiêu trò kiểu chộp giật” sẽ gây ảnh hưởng xấu đến toàn bộ tài xế chạy xe công nghệ, kiểu “con sâu làm rầu nồi canh”.
Vấn đề đặt ra là, để không bị tài xế qua mặt, nền tảng ứng dụng đặt xe phải đầu tư hệ thống đủ mạnh để việc quản trị được tốt, phải có sự ràng buộc bằng những chế tài cụ thể ngay từ khi tuyển dụng và quản lý, giám sát chặt chẽ, mạnh tay để răn đe những tài xế vi phạm quy định, đảm bảo chất lượng và sự an toàn cho hành khách.