“Không phải mỹ phẩm, chỉ là đồ handmade”
Lại nhắc lại chuyện trên trang Facebook có tên “Chị An Nhiên - chuyên trà thảo mộc gia truyền trị mụn” có đăng tải những clip mà trong đó, một diễn viên xuất hiện trong khá nhiều phim truyền hình nổi tiếng gần đây đã “ăn” mỹ phẩm mang nhãn hiệu An Nhiên rồi kết luận các sản phẩm này rất an toàn. Chẳng biết từ bao giờ, một người không hề có chút chuyên môn nào ngoài…diễn lại có thể dùng “đầu lưỡi” và sự tưởng tượng bản thân để kiểm định sự an toàn của các sản phẩm dùng cho sức khỏe con người? Có lố bịch quá không khi một diễn viên đang “qua mặt” vai trò của các cơ quan chức năng có chuyên môn về y tế?
Cũng trong bài viết trước, PV đã đặt ra câu hỏi rằng những sản phẩm của An Nhiên như trà thảo mộc, mặt nạ trị mụn rốt cuộc là mỹ phẩm, thuốc hay thực phẩm chức năng khi có quá nhiều những dấu hiệu mập mờ từ cách dùng và công dụng. Để tìm câu trả lời cho vấn đề này, PV đã liên hệ với chị T.K N, là chủ của thương hiệu mỹ phẩm An Nhiên.
Ảnh chụp màn hình clip “ăn” mỹ phẩm của một diễn viên được đăng tải. |
Khi PV nhắc đến các loại mỹ phẩm của mình thì người phụ nữ này lập tức ngắt lời và khẳng định: “Đây không phải mỹ phẩm bạn ạ, chỉ là đồ handmade (sản phẩm làm bằng tay không sử dụng máy móc - PV) thôi”. Câu trả lời hết sức “thật thà” này của chị N. đã làm PV không giấu nổi sự ngạc nhiên bởi nếu là handmade, không được xếp vào các danh mục nào như trên thì liệu các sản phẩm này nằm dưới sự quản lý của cơ quan chức năng nào? Có lẽ Bộ Y tế cũng chưa kịp cập nhật khái niệm về một loại sản phẩm có tên “handmade” mà lại có công dụng điều trị, hỗ trợ cho sức khỏe con người.
“Không xin được cái hồ sơ gì đó vì… thủ tục loằng ngoằng”
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Khải, Trưởng phòng Nghiệp vụ Dược - Sở Y tế Hà Nội cho biết: “Trong hệ thống lưu trữ của phòng Nghiệp vụ Dược không có hồ sơ công bố sản phẩm mỹ phẩm nào tên là An Nhiên, vì không rõ là công ty hay là gì nên chúng tôi cũng không rõ thuộc thẩm quyền quản lý của Sở nào”.
Trong cuộc trao đổi với chị T.K.N, PV cũng đã đề cập vấn đề này và lại một lần nữa, chị N. cũng thật thà thừa nhận: “Thú thật là bên mình cũng không có các giấy tờ như bạn nói, bởi bạn cũng biết rồi đấy, để xin được cái hồ sơ gì đó (hồ sơ công bố sản phẩm mỹ phẩm) như bạn nói từ Sở hay Bộ rất tốn thời gian và thủ tục loằng ngoằng”. Chưa dừng lại ở đó, người phụ nữ đứng đầu nhãn hiệu An Nhiên còn “hồn nhiên” khi hỏi ngược lại PV rằng: “Bạn có thể cho mình biết là mình cần phải có những giấy tờ gì không?”.
Theo quy định của Bộ Y tế, các mỹ phẩm được sản xuất trong nước phải làm hồ sơ công bố sản phẩm mỹ phẩm và được Sở Y tế tại nơi sản xuất cấp số tiếp nhận hồ sơ. Bên cạnh đó, việc có được công nhận là mỹ phẩm hay không còn phải tuân thủ rất nhiều những quy định khắt khe của Hiệp định mỹ phẩm ASEAN. Ngoài ra, theo thông tư mà Bộ Y tế ban hành có hiệu lực từ 1/4/2011 thì “mỹ phẩm không có công dụng điều trị”, vậy nên những sản phẩm quảng cáo dùng các từ ngữ gây hiểu nhầm giống như thuốc sẽ không được Bộ chấp nhận về hồ sơ công bố, trường hợp của An Nhiên đã vi phạm quy định này khi dùng từ “trị mụn”.
Không được các cơ quan chức năng cấp phép, không có một chút hiểu biết nào về lĩnh vực mà bản thân đang hoạt động thế nhưng An Nhiên vẫn được quảng cáo như một thần dược “trị mụn”, đã được “Cục An toàn thực phẩm” chứng nhận chất lượng đạt chuẩn. Rõ ràng, đây là các chiêu trò của An Nhiên nhằm đánh vào sự nhẹ dạ cả tin và ham muốn làm đẹp của rất nhiều người tiêu dùng hiện nay.
Đề nghị các cơ quan chức năng sớm vào cuộc xử lý.