Người nhập cảnh "an toàn" đang được xem xét rút ngắn thời gian cách ly. Ảnh: Giấy chứng nhận đã tiêm chủng.
Được biết, trước đây, Việt Nam quy định tất cả người nhập cảnh và người tiếp xúc gần với ca nhiễm phải cách ly tập trung 14 ngày. Sau ba lần xét nghiệm âm tính, những người này được giám sát sức khỏe tại nhà hoặc nơi lưu trú thêm 14 ngày nữa.
Từ ngày 5/5, Bộ Y tế quyết định kéo dài thời gian cách ly tập trung người tiếp xúc gần với ca dương tính và người nhập cảnh Việt Nam lên 21 ngày. Sau ba lần xét nghiệm âm tính, họ tiếp tục được theo dõi sức khỏe tại nhà 7 ngày.
Giữa tháng 5, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết đã đề xuất Ban chỉ đạo chủ trương cách ly tập trung 7 ngày người nhập cảnh có hộ chiếu vaccine; xét nghiệm hai lần, nếu âm tính sẽ cách ly tại nhà hoặc nơi lưu trú thêm 7 ngày.
Cụ thể người nhập cảnh có hộ chiếu vaccine sẽ được xét nghiệm lần đầu vào ngày đầu tiên sau khi nhập cảnh; lần thứ hai vào ngày cách ly thứ sáu. Lần xét nghiệm thứ ba được thực hiện vào ngày cuối trong chuỗi cách ly tại nhà hoặc nơi lưu trú. Nếu cả ba lần xét nghiệm âm tính, người nhập cảnh được kết thúc cách ly.
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo ngày 19/5, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Y tế xây dựng, ban hành hướng dẫn cách ly tập trung 7 ngày "người nhập cảnh an toàn".
Ghi nhận thêm tại cuộc họp chiều 2/6, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19, Bộ Khoa học và Công nghệ được giao khẩn trương thúc đẩy các nhóm nghiên cứu công nghệ kết hợp để có phương pháp, thiết bị xét nghiệm mới, "bởi việc lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc tầm soát diện rộng hiện nay vô cùng vất vả và tốn kém".
Bộ Y tế cho biết dự kiến đến cuối năm 2021, Việt Nam có đủ 150 triệu liều vắc xin tiêm cho 70% dân số. Ảnh: Bộ Y tế
Tại cuộc họp, các chuyên gia phân tích, ngay từ khi dịch mới bùng phát, Chính phủ, Ban chỉ đạo đã có chủ trương nghiên cứu, phát triển vắc xin trong nước; tiếp cận, đàm phán mua vắc xin từ tháng 5/2020. Bộ Y tế cho biết dự kiến đến cuối năm 2021, Việt Nam có đủ 150 triệu liều vắc xin tiêm cho 70% dân số.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng điều quan trọng nhất là phải có vaccine càng sớm càng tốt, nhất là trước tháng 10/2021. Bộ Y tế cần tạo mọi điều kiện để nhập khẩu vắc xin, nếu vướng mắc Bộ không tháo gỡ được thì trình ngay Chính phủ. Ngoài ra, Bộ Y tế phải có kế hoạch điều tiết nguồn vắc xin (dù rất khó vì phụ thuộc vào tiến độ giao hàng của nhà cung cấp), tránh tình trạng trước mắt chưa có vaccine, nhưng đến cuối năm 2021, hoặc đầu năm 2022 lại về cấp tập.
Liên quan tình hình nhập Vắc xin Covid-19, tin từ Bộ Y tế cho biết, vừa công bố danh sách 36 đơn vị được cấp giấy phép chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh phạm vi nhập khẩu vắc xin, kinh doanh dịch vụ bảo quản vắc xin. Trong đó, có tên một số cộng ty quen thuộc như Công ty CP Vắc xin Việt Nam, Công ty TNHH Pfizer Việt nam, Công ty TNHH Johnson & Johnson Việt nam, Công ty TNHH AstraZeneca Việt Nam…
Trong bối cảnh hiện nay, Bộ Y tế cho biết luôn khuyến khích và tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp, tập đoàn, các địa phương tham gia nhập khẩu vắc xin phòng Covid-19 vào Việt Nam. Tuy nhiên, việc đảm bảo chất lượng vắc xin an toàn luôn được Bộ Y tế quan tâm hàng đầu.