Ông Công, ông Táo là các vị thần bếp (Táo quân) trông nom cuộc sống của toàn bộ gia đình. Theo tục lệ cổ truyền, cứ đến 23 tháng Chạp Âm lịch, Táo quân lại cưỡi cá chép bay về trời để trình báo mọi việc xảy ra trong gia đình với Ngọc Hoàng. Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng nắm được chính xác các quy trình, phong tục cúng lễ truyền thống. Vì vậy trong ngày 23 tháng Chạp, ngày cúng ông Công ông Táo, để tránh phạm phải những đại kỵ trong phong thủy và cũng là để đón phước lộc được trọn vẹn, mọi gia đình nên tránh những việc làm sau.
1. Cúng lễ ở dưới bếp
Nhiều người quan niệm, ông Công là thần thổ công, vị thần cai quản đất đai trong nhà, cần được cúng trên bàn thờ chính trong nhà, còn ông Táo là 23 vị đầu rau trông coi việc bếp núc nên sẽ được cúng ở dưới bếp. Tuy nhiên, theo chuyên gia nghiên cứu tâm linh, việc cúng lễ như vậy là không đúng với phong tục, quy tắc truyền thống lâu đời của dân tộc.
Theo truyền thống, tất cả các vị này đều cần được thờ phụng trên ban thờ chính của gia đình. Hơn nữa, bếp là nơi đun nấu, không phải nơi thể cúng lễ. Mâm cỗ cúng 23 tháng Chạp cần được thực hiện ở nơi sạch sẽ, trang nghiêm nhất trong nhà.
2. Cúng lễ ông Công, ông Táo sau 12h trưa ngày 23
Có một điều cần phải nhớ trong ngày 23 tháng chạp đó là không cúng lễ ông Công, ông Táo sau 12h trưa ngày 23 bởi vì sau 12h trưa là thời điểm các ông Công ông Táo đã về trời.
Lễ cúng ông Táo cần phải được tiến hành trước khi ông Táo bay về trời báo cáo Ngọc hoàng, tức là trước 12h trưa ngày 23 tháng Chạp. Vì vậy, tùy theo điều kiện thời gian, công việc của từng nhà có thể cúng ông Táo vào trưa, tối ngày 22 tháng Chạp hoặc sáng ngày 23 tháng Chạp.
3. Cầu xin tài lộc, tiền tài
Ngày lễ cúng ông Công ông Táo là để tiễn các vị thần về chầu trời, tâu với Ngọc Hoàng những chuyện tốt – xấu của gia đình trong năm vừa qua chứ không nói gì đến vấn đề tài lộc, tiền bạc.
Vì thế, việc cầu xin tài lộc, tiền tài là không nên. Các gia đình chỉ nên khấn xin Táo báo những việc tốt đẹp trong năm.
4. Thả cá chép từ trên cao
Sau khi làm lễ cúng ông Công ông Táo, nhang đã tàn và hóa vàng xong, nhân dân ta thường mang cá chép ra những khu vực có nước để thả cá, đưa ông Táo ông Công lên chầu trời. Theo quan niệm, thả cá trước giờ Ngọ (12 giờ) ngày 23 tháng Chạp là thời điểm thích hợp nhất.
Khi thả cá chép, hãy thả từ từ xuống sông hay ao hồ, động tác nhẹ nhàng chứ không nên vứt hay ném cá xuống nước để để cá chép có cơ hội sống.
Hãy chọn những nơi nhiều nước, nước sạch để các gia đình thả cá. Đó là điều kiện tiêu chuẩn để cá có thể sống và chúng ta yên tâm rằng, Táo sẽ lên chầu trời đúng giờ.