Lễ Vu Lan trùng với Rằm tháng Bảy thường được coi trọng và tổ chức với ý nghĩa để con cháu tri ân, báo hiếu với tổ tiên, cha mẹ với mục đích giáo dục con người về lòng biết hơn, hiếu thảo với đấng sinh thành.
Cúng rằm tháng 7 vào ngày nào?
Rằm là ngày 15 âm lịch hàng tháng, theo thông lệ đa số người dân thường dâng lễ cúng tổ tiên vào đúng ngày này. Rằm tháng 7 năm nay là ngày 22/8 theo lịch dương.
Tuy nhiên tùy theo gia đình và tính chất công việc nên việc cúng rằm cũng có nhiều thay đổi, không nhất thiết phải cúng đúng ngày 15/7 âm lịch mà có thể làm vào các ngày trước đó miễn là trước ngày 15/7.
Theo dân gian, người ta thường cúng Rằm tháng 7 trong các ngày từ 2-14/7 âm lịch. Không nhất thiết phải chọn ngày đẹp, chỉ cần ngày cúng có thời gian và khi cúng phải thành tâm là được.
Việc cúng như vậy là do quan niệm xưa: Từ ngày 2-14/7 âm lịch, Diêm vương sẽ cho mở cửa Quỷ Môn Quan để các vong hồn được về với dương giới, thọ hưởng những đồ vật mà người dân cúng tế.
Người xưa cũng quan niệm rằng nên thực hiện lễ Vu Lan cầu siêu, báo hiếu tổ tiên vào ban ngày. Đối với lễ cúng cô hồn thì nên diễn ra vào buổi chiều tối. Vì các cô hồn thường sợ ánh sáng nên mọi người nên chọn khi tắt nắng bắt đầu cúng để cô hồn dễ nhận được đồ mà các gia chủ cúng.
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: langhoasadec.website)
Mâm cúng rằm tháng 7 cần chuẩn bị những gì?
Cũng rằm tháng 7 thường được chia thành lễ cúng trong nhà và ngoài trời với nhiều lễ vật khác nhau như: gà luộc, xôi đỗ xanh, giò lụa, nem, canh miến mọc,… và thường bao gồm 3 lễ sau: cúng Phật, cúng trong nhà và cúng ngoài trời.
Cúng bàn Phật
Bàn Phật là bàn thờ Quan Thế Âm Bồ Tát, thường thờ ở mỗi nhà. Rằm tháng 7 là một ngày lễ lớn đối với những người theo đạo Phật, cũng là ngày lễ Vu Lan, xuất phát từ tích đức Mục Kiền Liên xả thân cứu mẹ.
Đối với cúng bàn Phật thì bạn chỉ cần chuẩn bị một mâm cơm chay hoặc một mâm ngũ quả đơn giản để cúng Phật, và thường nên cúng vào ban ngày. Sau khi cúng, mâm cúng Phật thường sẽ được gia đình thụ lộc ngay tại nhà.
Cúng trong nhà
Cúng trong nhà hay còn gọi là cúng thần linh và gia tiên, thường sẽ gồm mâm cúng mặn. Nên chuẩn bị mâm cúng tươm tất, các món ăn đa dạng cùng những thực phẩm bổ dưỡng, tươi sạch, thể hiện cho lòng thành kính, biết ơn tổ tiên.
Mâm cúng mặn thường gồm các món như xôi, gà luộc, canh, cơm, cá kho, món xào, món nộm,.. Kèm theo là trái cây, hoa cúng, nước, rượu, nhang, nến, vàng mã và cả những vật dụng dành cho người cõi âm làm bằng giấy tượng trưng như quần áo, giày dép,...
Cúng ngoài trời
Cúng ngoài trời hay còn gọi là cúng chúng sinh hoặc cúng cô hồn với mục đích bố thí cho những cô hồn thất thế, sa cơ lỡ vận, không nhà cửa hay nơi nương tựa.
Lễ cúng cô hồn được thực hiện vào buổi chiều tối ngày 14/7 hoặc 15/7 âm lịch do quan niệm đây là khoảng thời gian các vong linh đang trên đường trở về địa ngục do đó là khoảng thời gian tốt nhất để cúng.
Mâm cúng chúng sinh thường bao gồm các lễ vật như sau:
- Muối gạo (1 dĩa sẽ được rắc ra vỉa hè hoặc sân nhà về bốn phương tám hướng sau khi cúng xong).
- Cháo trắng nấu loãng (12 chén nhỏ).
- Hoa quả (5 loại 5 màu).
- Các loại bỏng ngô, bánh, kẹo.
- 12 cục đường thẻ.
- Quần áo chúng sinh với nhiều màu sắc (xanh lam, xanh lá mạ, vàng, hồng...).
- Tiền trần (là tiền thật, thường là tiền lẻ) và vàng mã.
- 3 chung nước (hay 3 ly nhỏ ), nhang và nến.
Một lưu ý quan trọng của lễ cúng cô hồn nên cúng chay. Theo quan niệm dân gian cúng đồ mặn sẽ khơi dậy tham, sân, si của các vong hồn.
Mâm cúng thường được đặt ngoài trời, khi cúng tiền vàng sẽ được rải đều trên mâm, bên cạnh đó không thể thiếu các loại nhang, trầm sử dụng trong các mâm cúng lễ để mỗi hướng Đông, Tây, Nam, Bắc 3 - 5 hoặc 7 cây hương.
Kết thúc lễ cúng cô hồn, gạo và muối được vãi ra sân hay ra đường, sau đó là đốt vàng mã.