Khu vực đông-đông bắc Sơn Trà - Nơi trọng yếu về an ninh quốc phòng. Ảnh: VGP/Hồng Hạnh |
Chiều 28/8, UBND TP. Đà Nẵng đã có cuộc làm việc với Hiệp hội du lịch Đà Nẵng liên quan đến quy hoạch Sơn Trà theo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Công văn số 6038/VPCP-KGVX (9/6/2017) về các vấn đề liên quan đến Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch Quốc gia Sơn Trà và rà soát tất cả các dự án trên bán đảo Sơn Trà.
Bán đảo Sơn Trà là một vùng sinh thái đặc thù nằm trong thành phố của Việt Nam với hơn 1.000 loài thực vật, 400 loài động vật với nhiều loài quý hiếm riêng có, đặc biệt là nơi sinh sống hiếm hoi còn lại của Voọc Chà vá chân nâu.
Tuy nhiên, dưới sự tác động của quá trình đô thị hóa, du lịch hóa, trong 10 năm trở lại đây, Sơn Trà đã bị tác động nghiêm trọng. Diện tích và chất lượng rạn san hô ở vùng biển ven bờ, diện tích rừng đang bị suy giảm mạnh, nhiều nơi đã biến mất. Vùng phân bố và hoạt động của loài Voọc bị chia cắt và thu hẹp nghiêm trọng do các công trình xây dựng hạ tầng. Du lịch phát triển thiếu kiểm soát đang tạo áp lực lên quần thể loài linh trưởng này.
Sơn Trà bắt đầu “nóng” lên khi sự kiện 40 móng biệt thự xây dựng không phép của một dự án du lịch được phát hiện vào cuối tháng 4/2017. Ngay lập tức, vấn đề quy hoạch tổng thể cũng như thực trạng đang xảy ra tại Sơn Trà được dư luận cả nước đặc biệt quan tâm.
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho biết, quy hoạch tổng thể khu du lịch Quốc gia Sơn Trà được Bộ VHTT&DL công bố tháng 2/2016. Sau đó, Thủ tướng có văn bản chỉ đạo giao cho các bộ, ngành, UBND Thành phố xem xét một cách khoa học, có thông tin đầy đủ trước công luận.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Đà Nẵng đã lấy ý kiến của các nhà khoa học nghiên cứu Sơn Trà từ những năm 1995 tới nay, dư luận, các hiệp hội, các nhà đầu tư…
Ông Tuấn cũng cho biết, quan điểm của Đà Nẵng về phát triển bán đảo Sơn Trà là chú trọng yếu tố an ninh quốc phòng, đa dạng sinh học và phát triển bền vững. Và việc rà soát các dự án, đưa ra kiến nghị trình Thủ tướng xem xét sẽ dựa trên các yếu tố này.
Hiện Sở KH&CN TP. Đà Nẵng đã thống kê, rà soát, và làm việc với 10 đơn vị đầu tư của 18 dự án triển khai tại Sơn Trà. Theo quy hoạch, 18 dự án này sẽ xây dựng 1.920 biệt thự, cùng 138 biệt thự không nằm trong dự án đã được bán cho cá nhân. Các rà soát sẽ dựa vào yếu tố an ninh quốc phòng, đa dạng sinh học và thực trạng phát triển Sơn Trà để tìm ra kiến nghị phù hợp.
Qua đó, Đà Nẵng sẽ kiến nghị với Thủ tướng cắt giảm, cần thiết sẽ xem xét hủy một số dự án ở phía đông-đông bắc của bán đảo ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng , có yếu tố nhạy cảm liên quan đến khu vực phòng thủ theo Quyết định 2412 của Bộ Quốc phòng.
Trong Quy hoạch tổng thể đã công bố cho phép xây dựng các công trình ở bình độ 200 m trở xuống. Nay, Đà Nẵng kiến nghị ở bình độ 100 m trở xuống sẽ đề xuất quy hoạch các dự án có yếu tố lưu trú du lịch ngắn ngày, không cho cư trú (các dự án xây dựng và bán các công trình, biệt thự để ở). Tuy nhiên, chỉ khuyến khích phát triển xây dựng ở khu vực phía tây-tây nam bán đảo, nơi có địa thế nhìn về Thành phố và không ảnh hưởng đến khu vực an ninh quốc phòng.
Ở bình độ 100-200 m, sẽ cho phép phát triển du lịch thuần túy, cấm lưu trú và xây dựng các công trình kiên cố. Qua rà soát, Đà Nẵng cũng kiến nghị cắt giảm số lượng buồng phòng tương đối nhiều.
Sở TT&MT cũng căn cứ vào 9 nghiên cứu đa dạng sinh học tại Sơn Trà từ những năm 1995 đến nay để đề xuất vùng cấm. Cụ thể, khu vực phía đông, đông bắc là nơi cư trú của Voọc, các loài cây quý, cây thuốc quý hiếm sẽ loại trừ phát triển du lịch. Đặc biệt, dự án khu vực bãi Bắc, kết nối giữa Đông-Tây tạo hành lang sinh học, phía chủ đầu tư đã thống nhất tuyệt đối không xâm phạm rừng đặc dụng.
Bảo lưu quan điểm nhất quán từ trước đến nay, ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP. Đà Nẵng nhấn mạnh, cần phải có những biện pháp can thiệp kịp thời để bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên vô cùng giá trị và độc đáo của Sơn Trà khi đang bị suy thoái từng ngày.
“Nếu chúng ta xây dựng các cơ sở lưu trú không thận trọng thì mai mốt, thế hệ sau sẽ không còn một bán đảo Sơn Trà xanh nữa. Đây cũng là xu thế của du lịch thế giới, không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế, gây ảnh hưởng đến cộng đồng”, ông Vinh nói.
Được biết, Đà Nẵng sẽ báo cáo về việc rà soát quy hoạch tổng thể Sơn Trà và nêu các đề xuất, kiến nghị cho Thủ tướng trước 30/8.