Việc yêu cầu người dân phải quét mã QR tại các siêu thị lớn được thực hiện nghiêm túc
Nơi làm chặt, nơi qua loa
Nhằm hạn chế tối đa khả năng lây lan của dịch Covid-19 cũng như trợ giúp truy vết các ca nhiễm dễ dàng hơn trong giai đoạn nới lỏng giãn cách kể từ thời điểm 21/9, Hà Nội đã đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ nhằm tăng cường giám sát. Trong đó, việc sử dụng mã QR tại các điểm kinh doanh, cơ sở dịch vụ… là một trong những biện pháp cần thiết và bắt buộc.
Theo đó, các địa điểm buôn bán bắt buộc phải tạo mã QR cũng như người dân tham gia mua, bán phải thực hiện quét QR khi ra vào những nơi này. Trong trường hợp người dân không có điện thoại thông minh thì có thể sử dụng Căn cước công dân hoặc Thẻ bảo hiểm y tế có mã QR hoặc bản in mã QR bằng giấy để quét mã. Đồng thời công tác giám sát thực hiện tại các địa phương cũng được lực lượng sở tại tăng cường nhằm phát huy thế mạnh của công nghệ trong phòng chống dịch.
Tuy nhiên, trên thực tế triển khai, vẫn còn đó những bất cập, không chỉ một bộ phận người dân thờ ơ với quét QR mà không thiếu các địa điểm kinh doanh chưa thực sự hiểu được tác dụng cần thiết của việc quét mã, nhiều nơi chỉ làm cho có, không mang lại quá nhiều hiệu quả thực chất.
Theo khảo sát của phóng viên, tại các điểm kinh doanh có quy mô lớn như: Big C Thăng Long, Lotte Mart Liễu Giai… việc thực hiện khá nghiêm túc với nhiều điểm quét QR được bố trí ngay từ bãi gửi xe nhằm tạo thuận lợi cho người dân khai báo. Đồng thời ở cửa ra vào đều bố trí bảo vệ kiểm tra việc hoàn thành quét QR và khai báo y tế, trường hợp người dân không thực hiện đầy đủ những yêu cầu này đều bị từ chối cho vào bên trong.
Cũng là những thương hiệu lớn về siêu thị mini hay cửa hàng tiện lợi nhưng việc yêu cầu quét QR tại Vinmart hoặc Circle k lại vô cùng lỏng lẻo. Khi phóng viên ra/vào các điểm bán của những cái tên trên tại đường Hoàng Quốc Việt (Cầu Giấy) thì hoàn toàn không có nhân viên kiểm soát có quét QR hay không mặc dù bảng QR đã được treo sẵn. Chỉ tới khi thắc mắc, nhân viên tại điểm bán mới yêu cầu quay ra quét QR.
Trên đây cũng là tình trạng chung của nhiều điểm kinh doanh có quy mô nhỏ lẻ, cá nhân. Khảo sát tại quận Cầu Giấy, hầu hết những điểm kinh doanh đều dán sẵn mã QR nhưng không có người nhắc nhở hoặc chỉ nói cho có, khách hàng có quét hay không vẫn mua bán được như thường.
Một chủ cửa hàng đồ ăn tại phố Nghĩa Tân (Cầu Giấy) thừa nhận có tình trạng khách đến mua có người quét QR có người không. Mặc dù nhân viên đã nhắc khách ngay từ chỗ gửi xe nhưng do công việc nhiều nên rất khó để cắt cử riêng một người ra để theo dõi người nào quét, người nào chưa quét. Mặt khác, hầu hết khách đều đứng từ ngoài đường, đồ ăn được nhân viên mang ra tận nơi, nên có yêu cầu quét QR thì cũng bất cập, nhiều người không thực hiện.
Về góc độ người mua, việc bắt buộc phải quét mã QR cũng tạo ra một số bất tiện không đáng có. Tiêu biểu là những người không sử dụng smartphone hoặc điện thoại thông minh không kết nối 3G việc khai báo sẽ không thực hiện được. Mặc dù có thể thay thế bằng Căn cước công dân, Thẻ bảo hiểm y tế có mã QR hoặc bản giấy mã QR cá nhân nhưng trên thực tế phải tất cả mọi người ra đường đều mang theo những giấy tờ này.
Bác N.T.T (70 tuổi, quận Cầu Giấy) cho biết, đôi khi ra mua đồ ăn, chỉ mang theo tiền mà quên không có giấy tờ gì liên quan tới mã QR. Lúc đó cửa hàng nào bắt quét thì không mua, tìm tới cửa hàng nào “thoáng” hơn để tìm mua thứ mình cần.
Vẫn còn tình trạng không quét QR, không giãn cách tại một cửa hàng ăn trên phố Trương Công Giai (Cầu Giấy)
Đến từ ý thức người dân
Có thể khẳng định, tại thời điểm đại dịch Covid-19 còn đang hoành hành ở Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng, các giải pháp công nghệ sẽ chỉ thực sự có hiệu quả nếu như có sự trợ giúp của người dân. Để tự bảo vệ bản thân cũng như những người xung quanh người dân cần thực hiện nghiêm túc việc quét mã QR khi ra vào các địa điểm mua bán. Nếu không sử dụng điện thoại thông minh hoặc không kết nối 3G, cần phải mang những giấy tờ có mã QR để khai báo, đây chỉ là một bất tiện nhỏ những sẽ hữu ích cho cả cộng đồng.
Bên cạnh đó, vai trò giám sát của địa phương cũng cần theo sát tình hình thực tế hơn nhằm tránh tình trạng quy định một đằng, thực hiện một nẻo.
Trao đổi về tình trạng một số điểm kinh doanh trên địa bàn chưa thực sự nghiêm túc trong việc bắt buộc người dân phải quét mã QR, Chủ tịch UBND phường Nghĩa Đô Chử Mạnh Hùng cho biết sẽ lập tức kiểm tra các cơ sở này. Hiện phường đang có 2 tổ công tác nhằm thường xuyên kiểm tra, giám sát và kiên quyết xử lý những tổ chức, cá nhân vi phạm. Trong thời gian tới phường cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao ý thức của người dân và chủ địa điểm kinh doanh nhằm chấp hành nghiêm túc việc quét mã QR.
Bên cạnh đó, báo cáo hàng ngày của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP Hà Nội có công bố số liệu về tổng số điểm quét mã QR cũng là nguồn để các địa phương tham khảo, đối chiếu số liệu thực tế nhằm nhìn nhận rõ ràng hơn về thực trạng triển khai trên địa bàn của mình.
Theo thống kê trên, tính đến ngày 23/9, toàn TP có gần 359.000 điểm quét mã QR. Các quận, huyện có nhiều lượt quét nhất là: Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Hoàn Kiếm, Ba Đình, Thanh Xuân, Hai Bà Trưng, Thanh Trì, Thanh Oai. Tuy nhiên còn 24 xã/phường/thị trấn không có lượt quét mã QR phát sinh trong ngày 23/9 gồm: Thường Tín (7 xã), Thanh Oai (6 xã), Mê Linh (4 xã) …
Nói về sự cần thiết của việc quét mã QR tại các địa điểm kinh doanh trên địa bàn TP, Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội Nguyễn Thanh Liêm đây là một trong những giải pháp công nghệ quan trọng nhất nhằm phòng, chống dịch bệnh trong tình hình mới.
Để trợ giúp cho những cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, Sở cũng đã đề nghị Thành đoàn Hà Nội Chỉ thành lập các đội cơ sở phối hợp với chính quyền địa phương tham gia hướng dẫn các tổ chức, cá nhân trên địa bàn thực hiện việc tạo mã QR địa điểm, quét mã QR để quản lý thông tin người ra vào. Tại những địa điểm hàng quán mà người dân không thể tự tạo mã QR code, các bạn đoàn viên thanh niên sẽ đứng tại điểm quét để tạo mã, sau đó in và dán tại các điểm đó để Thành phố quản lý và theo dõi.
Bên cạnh đó, các sở, ngành, quận, huyện, thị xã cũng được yêu cầu kiên quyết xử lý vi phạm với những cơ sở kinh doanh dịch vụ không có mã QR, vi phạm các quy định phòng, chống dịch. Sự quyết liệt này nhằm giúp chúng ta bảo toàn thành quả chống dịch tính đến thời điểm hiện tại và ngăn chặn những đợt bùng phát diện rộng ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô cũng như sự an toàn và đời sống của Nhân dân.
Tuy nhiên, để việc thực hiện quét mã QR thật sự đạt hiệu quả thực chất, rất cần sự hợp tác không chỉ của các cơ quan, đoàn thể, cơ sở kinh doanh dịch vụ mà còn từ chính ý thức của người dân. Vì vậy, chúng tôi kêu gọi người dân ngoài việc khai báo qua các tờ khai y tế nếu có biểu hiện ho sốt khó thở thì khi đến các điểm công cộng hay các nhà hàng, siêu thị phải quét mã QR để phục vụ công tác truy vết, phòng chống dịch Covid-19 của TP, ông Nguyễn Thanh Liêm nói.