Theo đó, Phó Thủ tướng nêu rõ: “Ngày 11/2, tôi đã yêu cầu Bộ GD&ĐT khẩn trương có hướng dẫn thật chi tiết, dễ hiểu để các cấp, nhà trường, giáo viên, học sinh, phụ huynh thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn sức khỏe cho học sinh khi đi học trở lại. Tinh thần là phải an toàn, an tâm mới đi học trở lại”.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp CoVid-19. |
Trước hết chính quyền, nhà trường phải thực hiện đầy đủ các giải pháp để đảm bảo trường học, lớp học thật sự an toàn. Nhưng như vậy cũng chưa đủ mà phải hướng dẫn, tuyên truyền để phụ huynh, học sinh an tâm. Chưa làm được cho phụ huynh và học sinh an tâm thì chưa nên cho đi học trở lại ngay.
“Đã đi học trở lại thì trường, lớp phải thực sự an toàn. An toàn cả dưới góc độ chuyên môn lẫn trong suy nghĩ của học sinh, của phụ huynh học sinh. An toàn và an tâm, không nên cho đi học trở lại mà học sinh vẫn lo sợ bị lây nhiễm ở trường, vẫn phải đeo khẩu trang trong lớp học”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Việc cho học sinh nghỉ học tiếp chắc chắn có gây xáo trộn, trở ngại cho ngành giáo dục và cả công việc, sinh hoạt của các bậc phụ huynh, của xã hội. Tuy nhiên những điều đó không thể so được với sức khỏe, sự an tâm, tin tưởng của nhân dân.
Phó Thủ tướng cũng cho biết thêm những việc liên quan tới đông đảo người dân thì ngoài yếu tố chuyên môn phải đặc biệt lưu ý tới sự đồng thuận của nhân dân. Vì thế, cần cân nhắc thật kỹ lưỡng. Dù thế nào thì cũng phải tiếp tục thực hiện thật tốt công tác chống dịch, công tác đảm bảo an toàn trong trường học và đặc biệt là phải tăng cường hướng dẫn, tuyên truyền để nhân dân hiểu đúng, đồng thuận và tích cực tham gia thực hiện các biện pháp chống dịch nói chung và việc trở lại trường của học sinh nói riêng.
Ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đưa ra nhận được nhiều sự đồng tính lớn của dư luận, đặc biệt là các bậc phụ huynh học sinh đang có con em nhỏ theo học tại các trường trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.
Trao đổi với PV, chị Thu Thuỷ (Nguyễn Đình Chiểu, quận 3) cho biết, chị chấp nhận cho con nghỉ học thêm 1 tuần, 2 tuần…thậm chí là nhiều tuần nữa vì sự an toàn tuyệt đối của con trẻ.
“Việc học là việc cả đời, hôm nay không học ngày mai học, tuần này không học tuần sau học, không có lý do vì phải vội vàng mà đẩy còn mình vào tình cảnh không an toàn. Tôi đánh giá cao sự chủ động trong công tác phòng dịch của nhà nước, nhưng để có được sự an tâm tuyệt đối tôi chỉ cho con đi học trở lại khi hết dịch”, chị Thu Thuỷ nói.
Đồng quan điểm với chị Thu Thuỷ, anh Phong (Văn Thân, quận 6) chia sẻ: “Mặc dù tình hình dịch CoVid- 19 ở nước ta nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng không quá phức tạp, hiện tại chính quyền hoàn toàn kiểm soát được, cá nhân tôi và nhiều phụ huynh khác cũng an tâm. Tuy nhiên, bài học từ Trung Quốc cho thấy, không thể chủ quan với con virus này, nó quá đang sợ. Một người nhiễm lây cho 10 người, 10 người lây cho 100 người, 100 người lại lây cho 1 triệu người…và cứ thế. Làm tất cả suy cho cùng cũng chỉ vì sức khoẻ, cuộc sống bình an cho con mình nên tôi sẽ không dại gì mạo hiểm cho con đi học trở lại khi mà tình hình dịch CoVid- 19 vẫn chưa nói trước được điều gì”.
Là giáo viên mầm non, phụ trách chăm sóc một lớp gần 30 em, cô Hoàng Anh (Trường mầm non DoReMon, quận 6) cho biết, trên tình thần của một cô giáo cũng như một người phụ nữ đã làm mẹ, cô Hoàng Anh hi vọng các ban ngành có thể xem xét cho trẻ nghỉ học thêm một thời gian nữa.
“Ngày ngày làm công việc chăm sóc, dạy dỗ các em, tôi đã xem chúng như con cái của mình. Tôi hiểu, đã là cha là mẹ ai cũng chỉ mong con mình được khoẻ mạnh, đó là mục tiêu hàng đầu. Để được an tâm nhất, nhiều phụ huynh đã quyết định gửi con về vùng nông thôn trong lành, ít người cho ông bà chăm sóc. Những phụ huynh không có ba ông chăm con giúp thì chọn làm việc tại nhà, thậm chí chấp nhận bỏ việc để chăm con…Cho nên tôi cũng như nhiều giáo viên đồng nghiệp của tôi đều có thể nghỉ dạy không lương, chúng tôi vẫn ổn, chỉ mong các em khoẻ mạnh, bình an là được”, Cô Hoàng Anh nói.
Ghi nhận trên trang web của Bộ Y tế Việt Nam, tính đến 7h30 sáng nay (14/2), thế giới có tổng cộng 65.390 ca nhiễm và 1.486 ca tử vong (bao gồm 1.483 người chết ở Trung Quốc đại lục, 1 người ở Philippines, 1 người ở Hong Kong, và 1 ở Nhật Bản) và 6.678 ca hồi phục. Tại TP Hồ Chí Minh, theo báo cáo của hệ thống giám sát bệnh do chủng mới CoVid- 19, đến 16h ngày 13/2, tình hình như sau: Số ca CoVid- 19 xác định: 3 Số ca nghi ngờ: 0; 31 trường hợp nghi ngờ trước đây đã có kết quả âm tính. Tổng số người tiếp xúc gần với ca bệnh được xác định là 44 trường hợp, trong đó 15 ca đã kết thúc theo dõi, 18 ca đang được cách ly tập trung và 11 ca đang cách ly tại nhà. - Về giám sát, theo dõi các trường hợp nhập cảnh từ Trung Quốc: Tổng số người được cách ly tại các cơ sở cách ly tập trung của quận/huyện là 51 người, trong đó 21 người hết thời gian theo dõi và hiện còn đang theo dõi 30 người. Có 8 trường hợp cách ly tại bệnh viện dã chiến tại huyện Củ Chi Tổng số người được cách ly tại nhà, cơ sở lưu trú là 2.782 người, trong đó 1.477 người đã hết thời gian theo dõi và hiện còn đang theo dõi là 1.305 người. Các trường hợp theo dõi chưa có trường hợp nào có dấu hiệu bệnh. Riêng tại Vĩnh Phúc vì tình hình diễn biến phức tạp của dịch CoVid-19, chiều 12/2, tỉnh Vĩnh Phúc đã quyết định cách ly toàn bộ xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên. Người dân xã này được ngân sách hỗ trợ tiền trong thời gian bị cách ly (cụ thể mỗi người dân 40.000 đồng/ngày). |