Sân golf Tân Sơn Nhất. (Ảnh: Zing.vn) |
Trước dư luận về việc sân golf được xây dựng trên đất quốc phòng, ngay phía bắc sân bay Tân Sơn Nhất trong khi sân bay này đang quá tải, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch khẳng định vì mục đích mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, nếu cần Bộ Quốc phòng sẵn sàng bàn giao đất quốc phòng để làm việc này trong cuộc họp thường trực Chính phủ chiều 12/6.
Hợp đồng chuyển đất quốc phòng làm sân gofl vô hiệu
"Dư luận phản ứng về việc đất quốc phòng sử dụng làm sân golf trong khi sân bay Tân Sơn Nhất quá tải là đúng", Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho biết.
Trước đó, Chính uỷ Quân chủng Phòng không Không quân Lâm Quang Đại khẳng định tại Quốc hội: “Bộ Quốc phòng thống nhất về mặt quan điểm xây dựng sân golf là để tận dụng đất còn nhàn rỗi để phát triển kinh tế, củng cố hệ thống doanh trại cho các cơ quan đơn vị trong quân đội".
Phó Chủ nhiệm UB Kinh tế của Quốc hội cho rằng không thể giải thích theo cách của Bộ Quốc phòng.
"Vấn đề này phải quay lại quy định của Hiến pháp. Đất đai thuộc sở hữu toàn dân. Khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, sau giải phóng, nhà nước giao cho quân đội quản lý, sử dụng vào mục đích quốc phòng. Việc quân đội không sử dụng hết giao cho nhà đầu tư bên ngoài khai thác làm sai mục đích sử dụng đất là Bộ Quốc phòng đã vi phạm Luật Đất đai", ông Nguyễn Đức Kiên nêu quan điểm.
Tình trạng này cũng được các ĐBQH nhắc đến khi thảo luận dự thảo Luật Quản lý tài sản công, các cơ quan giao trụ sở không sử dụng hết cho các đơn vị thuê lại, kinh doanh thu lợi.
Ông Nguyễn Đức Kiên cho rằng xét về Luật Đất đai, các đơn vị ký hợp đồng sử dụng đất quốc phòng làm sân golf đều sai Luật. Bộ Quốc phòng đã ký kết hợp đồng xây dựng sân golf Tân Sơn Nhất sai thẩm quyền. Một hợp đồng kinh tế giữa Bộ Quốc phòng và đơn vị đầu tư ký sai thẩm quyền thì theo quy định pháp luật, hợp đồng này vô hiệu.
Do đó, biết hợp đồng được ký kết sai thẩm quyền nhưng các bên liên quan vẫn tiến hành, cả Bộ Quốc phòng và nhà đầu tư đều sai. Theo Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, ai là người kí kết hợp đồng sân golf người đó phải chịu trách nhiệm. Khi hai bên đều sai, nếu sân golf bị thu hồi, rủi ro kinh tế xảy ra cả hai bên đều phải chịu.
Quy hoạch sân bay Tân Sơn Nhất bị phá vỡ
Vị Phó Chủ nhiệm UBKT của QH cũng cho rằng ở đây mới nói đến trách nhiệm sử dụng đất quốc phòng sai mục đích ở 157 ha làm sân golf, "chưa nói đến việc ai phá vỡ quy hoạch sân bay Tân Sơn Nhất, trách nhiệm thuộc về TP HCM hay Bộ Quốc phòng và trách nhiệm của Chính phủ đến đâu, đúng ra phải truy trách nhiệm đến tận cùng".
Sân bay Tân Sơn Nhất hiện nay đang quá tải, tình trạng ngập lụt sau mỗi trận mưa, hệ thống giao thông vệ tinh ùn tắc. Việc nghiên cứu phương án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất đang được tiến hành. Chiều qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo mời tư vấn nước ngoài nghiên cứu mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất. Hiện tại chưa có hướng cụ thể mở rộng sân bay theo hướng nào, có mở rộng về hướng sân golf trên đất quốc phòng đó hay không hay mở rộng về phía Nam. Tuy vậy, Thủ tướng đã giao Bộ trưởng Quốc phòng chỉ đạo dừng tất cả các công trình liên quan hạ tầng phụ trợ sân golf, như trường đào tạo năng khiếu golf, khu biệt thự, chung cư cao cấp cho thuê… để chờ các cơ quan tư vấn và các nhà khoa học xem xét trước khi quyết định việc mở rộng sân bay.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng khẳng định, các công việc liên quan đến triển khai dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành vẫn tiến hành bình thường, theo tiến độ đã được đề ra.
TS Nguyễn Đức Kiên cũng cho rằng kể cả khi sân bay Long Thành hoàn thành vẫn có thể duy trì hoạt động của sân bay Tân Sơn Nhất. "Việc một thành phố lớn có nhiều sân bay là chuyện bình thường, ví dụ như ở Paris có hai sân bay cùng hỗ trợ nhau. Với cự ly hơn 30 km, nếu có một tuyến metro hay đường sắt tiêu chuẩn kết nối thì hai sân bay liên kết như một, kết nối tương hỗ với nhau", ông Nguyễn Đức Kiên bày tỏ. Hiện nay chưa có nghiên cứu toàn diện về kết nối giữa sân bay Tân Sơn Nhất và Long Thành, ông cho rằng các nhà quy hoạch cũng nên có nghiên cứu cho phương án này.
Sẽ không còn sân golf trên đất quốc phòng, di tích lịch sử
Chia sẻ về vấn đề quy hoạch, chiều 12/6, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cũng khẳng định sẽ không có quy hoạch cho phép sử dụng đất quốc phòng, đất di tích lịch sử, khu bảo tồn để làm sân golf hay sử dụng sai mục đích.
“Bộ sẽ không làm quy hoạch sân golf, theo đúng tư tưởng của Luật Quy hoạch đã trình. Sân golf sẽ theo chính sách điều kiện tiêu chuẩn để được phép đầu tư", Thứ trưởng Đông chia sẻ.
Đất nhà đầu tư đấu thầu để làm sân golf phải là đất đạt tiêu chuẩn quy định và chính quyền địa phương quyết định, thông qua đấu thầu. Cách làm mới này sẽ giải quyết tình trạng “chạy” giấy phép hay “bán” giấy phép đầu tư. Nếu quá 2 năm dự án không triển khai thì sẽ bị thu hồi giấy phép. Do vậy, sẽ không có thứ giấy phép sân golf kéo dài 5 - 7 năm.