Đó là ý kiến của các đại biểu tại buổi Tọa đàm "Phát triển sản phẩm du lịch đêm Hà Nội" do Sở Du lịch Hà Nội tổ chức ngày 2/8.
Hà Nội nhiều thế mạnh
TP Hà Nội là một trong những trung tâm du lịch lớn của cả nước, thời gian qua luôn tiên phong nỗ lực xóa tình trạng “cơm tối, rối nước” bằng việc tổ chức hoạt động kinh tế du lịch đêm. Cụ thể, Hà Nội đã tổ chức các không gian đi bộ, chợ đêm vào các tối cuối tuần; cho phép một số quán bar, nhà hàng trong khu phố cổ mở cửa đến 2 giờ sáng... Một số doanh nghiệp kết hợp với điểm đến tổ chức một số tour du lịch đêm tại di tích Hỏa Lò, Hoàng thành Thăng Long, Bảo tàng Văn học Hà Nội...
Các đại biểu góp ý tại Tọa đàm Phát triển sản phẩm du lịch đêm Hà Nội. Ảnh: Hoài Nam
Với tour “Giải mã Hoàng thành Thăng Long”, khách du lịch được thưởng thức các điệu múa cung đình, được “thị vệ” và “cung nữ” do các bạn trẻ nhập vai hướng dẫn khám phá Hoàng thành Thăng Long. Du khách có những trải nghiệm mới mẻ khi tham quan các hiện vật, hố khai quật vào ban đêm với sự hỗ trợ của công nghệ ánh sáng, được tham gia hoạt động “giải mã” các câu đố về Hoàng thành Thăng Long… Hoạt động vào tối thứ 6, 7 hằng tuần, tour “Giải mã Hoàng thành Thăng Long” thu hút trung bình khoảng 130 khách/tối.
Không dừng lại ở đó, TP Hà Nội còn là địa phương tổ chức những sự kiện văn hóa đêm mang tầm quy mô khu vực và quốc tế. Mới đây, sự kiện ban nhạc “đình đám” BlackPink đến biểu diễn tại Hà Nội vào ngày 29 - 30/7 đã khiến Hà Nội trở thành tâm điểm của du khách quốc tế. Những thành công bước đầu cho thấy việc phát triển kinh tế du lịch đêm chính là cách khai thác tốt tiềm năng sẵn có, thu hút khách du lịch đến với Hà Nội.
Khách du lịch tại phố Tạ Hiện khi đêm xuống. Ảnh: Hoài Nam
Theo Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang, phát triển kinh tế du lịch đêm là một trong những hoạt động trọng điểm được TP Hà Nội đặc biệt quan tâm và đã có chỉ đạo về việc phát triển loại hình kinh tế này trở thành một phần không thể thiếu của sự phát triển kinh tế, xã hội. “Việc TP Hà Nội tổ chức thành công các lễ hội, sự kiện văn hóa lớn không chỉ mở ra hướng phát triển nền kinh tế ban đêm, thúc đẩy ngành công nghiệp văn hóa của Thủ đô mà còn khẳng định thương hiệu Hà Nội là điểm đến thân thiện”-bà Giang khẳng định.
Quy hoạch cần bài bản, song hành với chính sách phù hợp
Tại hội nghị các đại biểu có chung ý kiến, TP Hà Nội trong quá trình phát triển kinh tế du lịch đêm cũng bốc lộ nhiều bất cập. Cụ thể sản phẩm, dịch vụ ban đêm vẫn chưa thực sự đa dạng, chủ yếu là ăn uống, các hoạt động văn hoá nghệ thuật còn chưa nhiều, chưa có sự kết nối các dịch vụ để tạo ra các chương trình hấp dẫn du khách. Để phát triển sản phẩm du lịch đêm tạo động lực để phát triển kinh tế đêm, Hà Nội cần có thêm nhiều chiến lược bài bản hơn, từ đó thu hút doanh nghiệp đầu tư.
Khách du lịch tại không gian đi bộ đêm Hoàn Kiếm. Ảnh: Hoài Nam
Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam Phùng Quang Thắng, hoạt động du lịch trong kinh tế đêm cần sự tham gia của nhiều lĩnh vực và cần sự tham gia của người dân. Nhưng để làm được điều này đòi hỏi cơ quan quản lý có cơ chế chính sách phù hợp, đặc thù cho hoạt động kinh tế đêm, qua đó doanh nghiệp xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù như du lịch văn hóa, du lịch ẩm thực đêm, du lịch mua sắm.
“Tại Hà Nội, khu vực có thể tập trung cho kinh tế đêm là phố cổ thuộc quận Hoàn Kiếm. Tại đây, có thể xây dựng một số tour trải nghiệm về đêm đặc thù kết hợp với tour ẩm thực” - ông Thắng gợi ý.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Việt Nam Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, vấn đề quy hoạch cần được coi là một trong những điều kiện tiên quyết cùng đồng bộ với chính sách cho loại hình kinh tế này. Giải pháp quy hoạch ở đây, chính là xây dựng một mô hình kinh tế mới cho khu vực, đánh giá được tiềm năng của kinh tế du lịch đêm và xác định được nguồn lực đầu tư một cách bài bản nhất, hiệu quả nhất nhưng vẫn hài hòa với các loại hình kinh tế khác, giảm thiểu mọi tác động tới người dân trong khu vực.
Khách du lịch tại không gian đi bộ đêm Hoàn Kiếm. Ảnh: Hoài Nam
“Hà Nội có thể nghiên cứu mở rộng sản phẩm du lịch đêm như phát triển dịch vụ du lịch hai bên sông Hồng; Quy hoạch cho việc xây dựng trung tâm mua sắm hiện đại ở gần khu vực trung tâm, chẳng hạn xây dựng trung tâm mua sắm ngầm dưới đất tại Công viên Thống Nhất”-ông Tuấn hiến kế.
Đóng góp ý kiến cho việc phát triển chuỗi hoạt động phát triển sản phẩm du lịch đêm Hà Nội, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội Nguyễn Thị Mai Anh chia sẻ, hoạt động kinh tế đêm Hà Nội nên đẩy mạnh ở nhiều dịch vụ tương thích và mở rộng ở nhiều khu vực, không nên chỉ tập trung ở khu phố cổ. Hoạt động du lịch ẩm thực cần hình thành những hộ gia đình kinh doanh ẩm thực có năng lực phục vụ khách về đêm.
Trước những góp ý, hiến kế phát triển kinh tế du lịch đêm của các chuyên gia, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết: Hiện đơn vị đang xây dựng dự thảo Kế hoạch tổ chức chuỗi hoạt động phát triển sản phẩm du lịch đêm Hà Nội. Theo đó, Sở dự kiến sẽ ra mắt sản phẩm du lịch đêm Hà Nội với tên gọi “Đêm Hà Nội - Điểm chạm của những cảm xúc”, tổ chức cuộc thi review online “Đêm Hà Nội chào đón bạn”.
Như vậy khi cơ quan quản lý xây dựng quy hoạch cụ thể việc phát triển kinh tế du lịch đêm sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp khai thác tốt tiềm năng kinh tế đêm qua đó thúc đẩy việc mua sắm, chi tiêu của khách du lịch, góp phần phát triển kinh tế xã hội Thủ đô