Chị Nguyễn Thị Vân Anh (30 tuổi, ở Hà Nội) than thở: "“Mỗi lần đi chợ tôi rất lo mua nhầm thực phẩm chứa hóa chất. Giờ nhìn gì cũng thấy sợ, không chất tạo nạc thì thuốc tăng trưởng, kích thích. Chưa bao giờ các bà nội trợ khổ sở với chuyện ăn uống như hiện nay”.
Quả thật, nỗi lo lắng của chị Vân Anh không phải không có căn cứ khi các số liệu sai phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm ngày càng tăng.
Luật An toàn thực phẩm đã được Quốc hội khóa XII thông qua từ năm 2010. Luật quy định khá đầy đủ các hành vi bị cấm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Tuy nhiên, chế tài để xử lý các hành vi vi phạm vẫn được cho là chưa đủ sức răn đe, hoặc ít khả thi, do đó, tình trạng vi phạm an toàn thực phẩm đang có chiều hướng ngày càng gia tăng. Nếu như cả năm 2016, cả nước phát hiện hơn 50.000 vụ vi phạm an toàn thực phẩm, thì chỉ trong 4 tháng đầu năm nay, tổng số vụ vi phạm đã là hơn 40.000 vụ.
Ảnh minmh họa.
Trong 4 tháng đầu năm 2017, số lượng các vụ vi phạm về an toàn thực phẩm đã gia tăng đột biến trên toàn quốc với nhiều hình thức vi phạm khác nhau. Trong đó nổi bật là các hành vi liên quan đến sản xuất kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng, sử dụng phụ gia thực phẩm ngoài danh mục cho phép; đặc biệt là rượu giả, rượu có methanol. Không chỉ tại các miền quê hay vùng xa xôi, hẻo lánh, thực phẩm bẩn còn được sản xuất, chế biến và bày bán ngay tại Thủ đô Hà Nội.
Tại các chợ dân sinh, nơi phân phối phổ biến nhất các loại thực phẩm tươi sống, công tác kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn đang bị bỏ ngỏ, bởi nguồn gốc, chất lượng của các mặt hàng được bày bán tại đây khó có thể kiểm soát. Còn người tiêu dùng chỉ biết dựa vào niềm tin và cảm quan khi mua hàng.
Theo các cơ quan chức năng, có rất nhiều nguyên nhân khiến tình trạng vi phạm an toàn thực phẩm gia tăng. Nhưng một trong những nguyên nhân căn bản là do quy định về chế tài còn chưa phù hợp với thực tiễn xã hội, khiến việc thực thi nhiều khi còn bế tắc hoặc buộc phải áp dụng những điều khoản chưa đủ sức răn đe. Chưa kể, nhiều quy định còn chưa rõ ràng và cần phải điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp hơn với thực tiễn.
Tờ Pháp luật online vừa đưa tin, sáng 23-5, bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc Công ty TNHH Quản lý và Kinh doanh chợ nông sản Thủ Đức (TP.HCM), đưa ra thông tin trên tại hội thảo khoa học “Quản lý ATTP từ gốc ở TP.HCM: Thực trạng và giải pháp” do Ban Văn hóa-Xã hội HĐND TP.HCM phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM tổ chức.
“Hiện chợ nông sản Thủ Đức mặc dù đang thực hiện quy trình quản lý và truy xuất nguồn gốc thực phẩm nhưng chưa dám khẳng định tất cả rau, củ kinh doanh tại chợ đều an toàn. Bởi lẽ ban quản lý chợ không thể biết người trồng sử dụng phân bón gì, dùng thuốc bảo vệ thực vật ra sao” - bà Hà nói.
Theo bà Hà, tiểu thương bị phát hiện kinh doanh rau, củ chứa thuốc bảo vệ thực vật vượt mức quy định chỉ biết khóc ròng khi cơ quan quản lý ra quyết định phạt. “Tiểu thương nói rau, củ cung cấp sao thì bán vậy, đâu biết chứa thuốc này thuốc nọ. Điều này cho thấy rau, củ có an toàn hay không phụ thuộc vào người trồng” - bà Hà trình bày.
Trong khi đó, ông Nguyễn Nguyên Phương, Trưởng phòng Quản lý thương mại - Sở Công Thương TP.HCM, cho biết hiện thực phẩm đưa vào ba chợ đầu mối ở TP.HCM (Thủ Đức, Bình Điền, Hóc Môn) chiếm 80%. Do đó nếu ba chợ nói trên quản lý chặt thì toàn bộ rau, củ, quả, thịt… đảm bảo an toàn. “Có điều công tác xử lý những vi phạm liên quan đến ATTP tại ba chợ đầu mối chưa nghiêm. Do vậy, cần xây dựng quy định nghiêm cấm thực phẩm không nguồn gốc, không hóa đơn vào chợ. Bên cạnh đó, ba chợ đầu mối cũng cần xây dựng trạm giao dịch để kiểm tra, kiểm soát hàng hóa” - ông Phương nói.
TS-BS Lê Trường Giang, Chủ tịch Hội Y tế công cộng TP.HCM, phát biểu: “Lo lắng hiện nay của người tiêu dùng là tính an toàn của thực phẩm. Người tiêu dùng không thể biết trong thực phẩm có gì trong khi hóa chất và phụ gia đang được sử dụng rất phổ biến và ngoài tầm kiểm soát của cơ quan quản lý”. “Do đó, đảm bảo ATTP hiện nay chủ yếu là phải kiểm soát được việc sử dụng hóa chất và phụ gia dùng trong thực phẩm. Đó là đối tượng chính của việc kiểm soát thực phẩm từ gốc” - ông Giang nhận định.
Ông Giang cho biết thêm, các nhà quản lý tại TP.HCM cũng đang đau đầu với những hộ kinh doanh phụ gia thực phẩm trong chợ Kim Biên (quận 5). Hiện việc quản lý tại chợ này chỉ là… vận động tự nguyện, chưa quy định chỉ được bán cho cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm đủ điều kiện ATTP. Do đó, khi có chuyện không hay xảy ra thì người bán và người mua đều phủi trách nhiệm. “Chính vì vậy, việc ban hành quy định phụ gia thực phẩm phải được sản xuất, chế biến, kinh doanh trong cơ sở thực phẩm đủ điều kiện ATTP là vô cùng cần thiết” - ông Giang trình bày.
Để thực phẩm đưa vào TP.HCM có thể truy xuất từ gốc, bà Nguyễn Thị Nhã Trúc, Trưởng phòng Quản lý chất lượng thuộc Ban Quản lý ATTP TP.HCM, yêu cầu các cơ sở (thương lái) ghi chép đầy đủ các thông tin cơ bản của sản phẩm khi thu mua (nơi sản xuất, chủng loại, số lượng…). “Tuyệt đối không trộn lẫn sản phẩm của cơ sở sản xuất này với cơ sở khác để đảm bảo việc truy xuất dễ dàng” - bà Trúc nói.